Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 26-12-2023

Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã

Hiện nay, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đang hướng tới thành lập mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã hình thành Đầu mối quốc gia về CVĐC với định hướng hoàn thiện thành Ủy ban quốc gia về CVĐC trong thời gian tới.

Việc xác lập danh hiệu CVĐC quốc gia, tiến tới phát triển thành CVĐC quốc tế cho khu vực Tam Giang - Bạch Mã (TG-BM) là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Từ thực tế trên, TS. Vũ Quang Lân và nhóm nghiên cứu tại Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác lập được các di sản địa chất (DSĐC) phân bố trong khu vực TG - BM; đánh giá các giá trị nổi bật của các kiểu DSĐC trong khu vực TG - BM; và xây dựng cơ sở khoa học cho việc thành lập CVĐC toàn cầu ở khu vực TG - BM.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Đã xác lập được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC là cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất có mặt ở khu vực TG - BM. Bước đầu phân cấp các DSĐC theo 3 cấp gồm: cấp quốc tế 5 DS, cấp quốc gia 41 DS và cấp địa phương 69 DS. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá khá chi tiết các giá trị DSĐC ở 7 khu trong khu vực TG - BM. Trong đó, giá trị DSĐC nổi bật của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đê cát chắn ngoài đầm phá, núi Bạch Mã là sự đa dạng địa chất, tính độc đáo, kỳ vĩ tiêu biểu có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

- Về đa dạng sinh học, theo kết quả nghiên cứu bước đầu đã xác định có 5.843 loài động, thực vật ở khu vực nghiên cứu. Trong đó, thực vật bậc cao 2.762 loài, 268 họ, 7 ngành; Nấm 346 loài, 134 chi, 55 họ, 28 bộ, 4 lớp, 3 ngành; Thực vật phù du 347 loài, 50 họ, 6 ngành; Động vật có xương sống 1.167 loài, 214 họ, 50 bộ, 5 lớp; Côn trùng 1.113 loài, 147 họ, 17 bộ; Thân mềm 42 loài, 27 giống, 14 họ, 7 bộ; Giáp xác có 66 loài, 37 giống, 18 họ, 5 bộ thuộc các hệ sinh thái khác nhau từ vùng rừng đến biển. Trong đó, có 223 loài đặc hữu, 191 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 92 loài có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

- Di sản văn hóa vật thể bao gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh, các di vật, hiện vật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất. Theo dòng chảy lịch sử từ thời tiền sử - sơ sử, đến thời kỳ lãnh thổ của Vương quốc Champa với những dấu tích văn hóa mang đậm bản sắc của văn minh Ấn Độ và tiếp nối đến văn hóa Đại Việt trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê và thời của chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, của Quang Trung thống nhất sơn hà bắt đầu từ Phú Xuân và định đô ở Phú Xuân – Huế. Lần đầu tiên trở thành Kinh đô của cả nước, đến triều Nguyễn với thời gian tồn tại 143 năm trong lịch sử, để lại một dấu ấn văn hóa Huế - văn hóa Phú Xuân trong lòng văn hóa Việt Nam, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại. Di sản văn hóa phi vật thể hay văn hóa tinh thần từ văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian xứ Huế, từ nghệ thuật diễn xướng truyền thống, lễ hội tín ngưỡng dân gian, văn hóa ẩm thực, làng nghề thủ công truyền thống...Đó là các giá trị văn hóa phát sinh và phát triển cùng quá trình sinh sống của cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế trong sự tiếp biến giao thoa văn hóa giữa việc kế thừa văn hóa truyền thống dân tộc từ văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long, từ vùng văn hóa Thanh Nghệ Tĩnh, từ nền văn hóa bản địa của nền văn minh Champa rực rỡ một thời, là nối kết tinh hoa văn hóa phương Tây. Đặc biệt, sự giao thoa và chuyển hóa giữa chốn cung đình và dân gian đã tạo nên các giá trị đặc sắc mà ngày nay, một bộ phận nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế là Nhã nhạc cung đình Huế được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể, kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Đồng thời, các lĩnh vực, hình thức khác tiếp tục được bảo tồn, phát huy và đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Kết quả đề tài góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế trong Holocen trong mối liên hệ với sự thay đổi mực nước biển. Phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong Holocen sớm - giữa và bị lấp đầy bởi vật liệu do sông mang đến trong Holocen giữa - muộn

Khi hoàn thành, đề tài sẽ cung cấp nguồn thông tin đầy đủ về DSĐC và các di sản khác, là cơ sở khoa học để thành lập CVĐC ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã nói riêng cũng như góp phần hình thành một phần trong mạng lưới CVĐC quốc gia; phục vụ cho bảo tồn, bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đồng thời, tác giả đánh giá khả năng xây dựng CVĐC toàn cầu ở khu vực này qua việc đánh giá 5 tiêu chí theo quy định của UNESCO. Qua đó sẽ xác định tiêu chí nào đạt, tiêu chí nào còn yếu/thiếu để đề xuất các công việc cần làm tiếp theo nhằm xây dựng được cơ sở khoa học cho việc thành lập CVĐC toàn cầu ở khu vực TG-BM.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19235/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 681
Tổng lượt truy cập: 3.973.297
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!