Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nuôi thương phẩm cá chiên bằng lồng trên sông theo hướng sản xuất hàng hóa tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang
Cá Chiên là loài cá quý hiếm, sống hoang dã ở những nơi có nước chảy xiết. Ban ngày cá trú ngụ trong các hang hốc, khe đá, ban đêm mới ra bắt mồi. Thịt cá Chiên thơm, ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, có giá bán cao. Chính vì vậy, người dân đã khai thác quá mức bằng những phương tiện hủy diệt như kích điện, thuốc nổ, lưới quét… nên sản lượng loài cá này trong tự nhiên đã giảm sút đáng kể.
Tại Hà Giang và Tuyên Quang, nghề nuôi cá lồng ngày một phát triển. Năm 2015, tỉnh Hà Giang có 200 lồng nuôi cá trên sông/hồ, trong đó có 50 lồng nuôi cá Chiên. Tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.285 lồng nuôi cá trên sông Lô, sông Gâm và hồ thủy điện, trong đó nuôi cá đặc sản (chủ yếu là cá Chiên, cá Bỗng, cá Lăng) có 386 lồng với sản lượng đạt 93,4 tấn/năm. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng của ở hai tỉnh này vẫn mang tính tự phát, quy mô nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch; kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm; lồng bè được làm từ những vật liệu có sẵn tại địa phương; con giống được gom từ tự nhiên nên kích cỡ không đồng đều, chất lượng chưa đảm bảo. Từ thực tế trên, trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu của KS. Nguyễn Thị Loan tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nuôi thương phẩm cá chiên bằng lồng trên sông theo hướng sản xuất hàng hóa tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang”.
Mục tiêu của đề tài là nhằm phát triển nuôi cá Chiên bằng lồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.
Thông qua dự án đơn vị đã tiếp nhận và làm chủ được 05 quy trình công nghệ, đào tạo 10 kỹ thuật viên và 120 lượt nông dân về quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng. Đây là tiền đề quan trọng cho đơn vị để chủ động được kỹ thuật về nuôi cá chiên, cá thương phẩm đảm bảo cung cấp kịp thời nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện 2 vụ nuôi với sự tham gia của 10 hộ dân, tổng số lồng nuôi tại tỉnh. Tuyên Quang và Hà Giang là 60 lồng. Cá chiên tại các mô hình nuôi có tốc độ sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, chất lượng đảm bảo, đem lại thu nhập cho bà con nông dân. Thông qua quá trình triển hai thực hiện dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất tại hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Kết quả bước đầu của nghiên cứu đã khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế cho một bộ phận dân nghèo sống ven sông Lô, thay đổi phương thức sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, giảm bớt các rủi ro, giảm bớt sự lệ thuộc vào thiên nhiên khi việc khai thác cá Chiên đã trở nên cạn kiệt.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19576/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/