Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu viễn thám đa thời gian và lựa chọn mô hình trong việc giám sát và dự báo biến động sử dụng đất dưới tác động của điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội
Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Quá trình đổi mới đã đưa Việt Nam từ một trong các nước nghèo nhất trên thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình trong khu vực. Phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số, công nghiệp hóa, đô thị hóa và các thay đổi lớn về phát triển nông đã tạo ra nhiều rủi ro về môi trường, tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của khu vực: Mật độ dân số đô thị và các khu công nghiệp ngày càng tăng, quy hoạch hạ tầng kiến trúc không đồng bộ v.v… đã làm cho việc sử dụng tài nguyên đất đai lãng phí, chưa hợp lý, thiếu tính bền vững, phá vỡ tổng thể quy hoạch đất đai của Chính phủ. Do đó, việc giám sát, đánh giá và dự báo sự biến động sử dụng đất là rất cần thiết, cung cấp cơ sở khoa học để đưa ra những quyết định chính xác trong công tác quản lý đất đai.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm viễn thám do TS. Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu viễn thám đa thời gian và lựa chọn mô hình trong việc giám sát và dự báo biến động sử dụng đất dưới tác động của điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, thử nghiệm tại thành phố Hải Phòng” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện ba mục tiêu: Một là, xác định được loại dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian kết hợp với mô hình phân tích phù hợp trong dự báo biến động lớp phủ mặt đất dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội; Hai là cung cấp thông tin, cập nhật nhanh chóng tình hình biến động và dự báo biến động sử dụng đất thông qua biến động lớp phủ mặt đất sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian đến các cơ quan quản lý và phân tích tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế-xã hội; Ba là nghiên cứu, phân tích tổng quan tập trung vào một số mô hình phân tích trong việc dự báo biến động sử dụng đất thông qua biến động lớp phủ mặt đất; đồng thời xác định được loại dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian và đề xuất, khuyến nghị lựa chọn mô hình phân tích trong dự báo biến động sử dụng đất thông qua biến động lớp phủ mặt đất phù hợp với một số điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
- Đã nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian, GIS kết hợp với mô hình phân tích giám sát biến động lớp phủ mặt đất phù hợp với một số điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
- Đã áp dụng thử nghiệm quy trình sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian, GIS kết hợp với mô hình phân tích giám sát biến động lớp phủ mặt đất tại 01 khu vực đồng bằng ven biển trên địa bàn Thành phố Hải phòng (diện tích tương đương 01 mảnh bản đồ 1/50.000). Việc thử nghiệm để có cơ sở thực tiễn kiểm định và khẳng định tính đúng đắn của các kết quả nghiên cứu, việc áp dụng thử nghiệm các giải pháp khoa học - kỹ thuật trên thực tế là rất quan trọng. Thực tiễn vừa có vai trò kiểm chứng kết quả nghiên cứu, vừa có vai trò bổ sung và điều chỉnh những khiếm khuyết của kết quả nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn.
- Đã phân tích đánh giá kết quả biến động lớp phủ mặt đất thu được từ việc áp dụng quy trình sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám đa thời gian, GIS kết hợp với mô hình phân tích, một cách khách quan và khoa học do ảnh hưởng của các điều điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội đến xu hướng biến động sử dụng đất.
Kết quả đề tài cung cấp một công cụ hữu hiệu, đảm bảo độ tin cậy đối với các nhà quản lý, nhà chuyên môn trong việc xác định các giải pháp, phương án xử lý thích hợp trong việc giám sát biến động sử dụng đất thông qua biến động lớp phủ mặt đất, đánh giá xu hướng biến động sử dụng đất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố kinh tế - xã hội khác, từ đó đưa ra những đánh giá, đề xuất sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19620/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/