Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu chủ lực của Tây Nguyên, tạo ra một số sản phẩm có giá trị cao từ một vài loài dược liệu chủ lực, bản địa quý hiếm của Tây Nguyên
Trong những năm gần đây, việc khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại đã được sử dụng rộng rãi và đạt được kết quả trong điều trị người bệnh góp phần vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một suy giảm do khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát, không có kế hoạch bảo tồn nguồn dược liệu, trong khi dược liệu nuôi trồng mặc dù đã có quy hoạch tỉnh, vùng, quốc gia nhưng vẫn còn tự phát, thiếu cân đối...
Đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và duy trì tài nguyên dược liệu đang là vấn đề cấp bách. Bảo vệ nguồn dược liệu tự nhiên là bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, kinh tế, văn hóa của cộng đồng... Hơn nữa, phát triển dược liệu trong giai đoạn tới mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường trong nước và quốc tế đẻ sản xuất dược phẩm và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ dược liệu.
Chính phủ đã có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị theo chuỗi sản phẩm hàng hóa. Để thực hiện được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu từ dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc ở nước ta, trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, cần thiết phải đánh giá lại hiện trạng phát triển dược liệu ở Tây Nguyên nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược liệu; nuôi trồng, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học và xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền được sản xuất, chế biến, bào chế từ nguồn dược liệu trồng, khai thác trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân tại các vùng khó khăn; từng bước và chủ động đáp ứng đủ nhu cầu dược liệu cung cấp cho công nghiệp dược và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền trong khu vực và cả nước.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, 80% dân số thế giới nằm ở khu vực các nước đang phát triển và 80% dân số ở các nước này sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên như một lựa chọn hàng đầu trong việc phòng và chữa bệnh. Với số dân khổng lồ, cơ cấu bệnh tật đa dạng và phức tạp nên nhu cầu sử dụng thuốc hiệu quả cao ngày càng tăng. Nhu cầu về sử dụng thuốc trên thế giới là rất lớn, cả về số lượng và chất lượng. Đây đang là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển nói riêng và nhân loại nói chung.
Cho đến nay, dược liệu có nguồn gốc thực vật vẫn là nguồn nguyên liệu chính trong phát triển các loại thuốc mới trên thế giới. Các dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên chiếm tới 50% tổng số dược phẩm đang được sử dụng trong lâm sàng, trong đó khoảng 25% tổng số thuốc có nguồn gốc từ thực vật bậc cao. Theo ước tính, thuốc và các phẩm khác sản xuất từ dược liệu có nguồn gốc thực vật bán ra thị trường tiêu thụ đạt trên 100 tỷ đô la/năm.
Việt Nam cũng có một lịch sử lâu đời trong sử dụng cây cỏ tự nhiên và một nền y học cổ truyền có bản sắc riêng để phòng và chữa bệnh cho con người. Nằm trong khu vực nhiệt đới Đông Nam Á có đa dạng sinh học rất cao. Theo ước tính Việt Nam có khoảng trên 12.000 loài thực vật bậc cao, chiếm khoảng 4-5% tống số loài thực vật bậc cao đã biết trên thế giới và khoảng 25% số loài thực vật bậc cao đã biết ở châu Á. Trong số này, có khoảng 4.000 loài thực vật và 400 loài động vật được dùng làm thuốc. Thế nhưng, các thuốc này mới chủ yếu được sử dụng trong điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền và y học dân gian Việt Nam.
Với nhu cầu sử dụng thuốc từ dược liệu và thực phẩm chức năng có thành phần chính là các dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu khai thác cây dược liệu là rất lớn. Vì thế cần có những nghiên cứu nhằm kết hợp hài hòa giữa khai thác với việc duy trì, bảo vệ tái sinh chúng. Đặc biệt cần có chiến lược phát triển cây dược liệu một cách phù hợp và khoa học.
Hiện nay, 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn đang sử dụng các loại dược phẩm có nguồn gốc thực vật cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của mình và WHO ước tính rằng trong những thập kỷ tới cũng khoảng 80% dân số thế giới cũng phải dựa vào các loại thuốc từ thực vật do 30% thuốc được bán trên toàn thế giới có chứa các hợp chất có nguồn gốc thực vật. Hai nguồn cung cấp cây thuốc là: thu hái từ tự nhiên và trồng trọt. Trong đó: Thu hái từ tự nhiên: phần lớn dược liệu được buôn bán (cả trong nước và quốc tế) hiện nay vẫn từ thu hái từ tự nhiên và chỉ một số rất ít loài được trồng. Rất khó để cung cấp số liệu chính xác toàn cầu về khối lượng của cây thuốc thu hái tự nhiên do rất khó phân biệt giữa chúng với dược liệu trồng trọt. Vì mục đích lợi nhuận, cho nên người thu mua dược liệu tự nhiên chủ yếu là “khai thác tài nguyên thiên nhiên” hơn là quản lý bền vững nguồn tài nguyên này. Do vậy nhiều quốc gia đã có những quy định kiểm soát việc thu hái dược liệu từ tự nhiên. Trong khi đó: Dược liệu trồng: thích hợp cho việc sử dụng quy mô lớn, chẳng hạn như việc sản xuất thuốc của các công ty dược phẩm, đòi hỏi phải có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cả về hàm lượng hoạt chất cũng như chất lượng. Argentina, Trung Quốc, Hungary, Ấn Độ, Ba Lan và Tây Ban Nha là những quốc gia điển hình cho việc trồng dược liệu trên quy mô lớn. Tuy vậy, việc trồng cây thuốc ở nhiều nước cũng phải đối mặt với một số vấn đề: Phần lớn nông dân có đất nông nghiệp nhỏ; thiếu lao động ở vùng cao; thời gian dài giữa trồng trọt và thu hoạch; những khó khăn trong việc xin giấy phép trồng các loài bị hạn chế; thiếu công nghệ và khó khăn trong việc trồng cây thuốc (đặc biệt ở vùng cao); ngay cả khi đã phát triển công nghệ canh tác, vấn đề đóng gói, cất giữ, vận chuyển và kiểm soát chất lượng vẫn tồn tại; kinh nghiệm cũng như nhu cầu của nông dân thường không được đưa vào các hoạt động nghiên cứu của phòng thí nghiệm; sự liên kết giữa các viện nghiên cứu và ngành công nghiệp còn yếu; thiếu giống và chất lượng giống thấp; giá quá thấp để thu hút sự quan tâm của nông dân.
Dược liệu của Việt Nam hiện nay đang được sử dụng nhiều và có tiềm năng xuất khẩu như: Sâm Ngọc Linh, Trinh nữ Hoàng cung, Thông đỏ, Hồi. Theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 bao gồm 9 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị, trong đó sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu là sản phẩm dự bị. Và gần đây, sản phẩm sâm Việt Nam cũng đã được bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu chủ lực của Tây Nguyên, tạo ra một số sản phẩm có giá trị cao từ một vài loài dược liệu chủ lực, bản địa quý hiếm của Tây Nguyên”
Từ kết quả thu được trong quá trình điều tra, nghiên cứu, đề tài đưa ra các kết luận chính sau đây:
1. Nguồn tài nguyên dược liệu ở Tây Nguyên rất đa dạng và phong phú về thành phần loài, nhiều loài đã được nhân trồng, phát triển ở các quy mô khác nhau. Dựa trên quy hoạch phát triển dược liệu của vùng, của các tỉnh Tây Nguyên, kết quả điều tra hiện trạng thực tế cũng như phân tích các tiềm năng phát triển, đề tài đã xây dựng danh mục dược liệu chủ lực của vùng với 22 loài dược liệu có khả năng phát triển quy mô lớn phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng cũng như có các đặc trưng riêng để có thể tạo thế mạnh riêng cho phát triển dược liệu của vùng Tây Nguyên cũng như tạo liên kết vùng phục vụ không chỉ nhu cầu nội địa mà còn tiến đến xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Nguyên.
2. Không chỉ đa dạng về thành phần loài, mà thành phần hóa học của các loài dược liệu ở Tây Nguyên cũng vô cùng đa dạng về cấu trúc và hoạt tính. Chỉ với 09 loài dược liệu chọn lọc là Atisô (Cynara scolymus), Đảng sâm (Codonopsis javanica), Đương quy Trung Quốc (Angelica sinensis), Đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba), Sâm cau (Curculigo orchioides), Đinh lăng (Polyscias fruticosa), Sa nhân tím (Amomum longiligulare) (dược liệu chủ lực định hướng phát triển), Xoan nhừ (Choerospondias axillaris), Cuồng hiệp (Aralia hiepiana) (dược liệu định hướng bảo tồn) mà đề tài đã phân lập được 80 hợp chất trong đó có 09 hợp chất mới. Từ đó, đã xây dựng một số phương pháp mới phân tích chất chỉ thị từ các hợp chất phân lập được để định tính, định lượng thành phần của chúng trong dược liệu hướng đến kiểm soát chất lượng dược liệu khi sản xuất ở quy mô lớn về sau.
3. Hướng đến nhân trồng dược liệu ở quy mô lớn, đề tài đã hoàn thiện các quy trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản 06 loài dược liệu (Atisô, Đảng sâm, Đương quy Nhật Bản, Sâm cau, Đinh lăng, Sa nhân tím) dựa trên các tài liệu hướng dẫn trồng trọt làm cơ sở cho việc triển khai 05 mô hình trồng dược liệu ở Tây Nguyên (Atisô, Đảng sâm, Đương quy Nhật Bản, Sâm cau, Đinh lăng) với quy mô 2-3 ha/loài. Các kết quả triển khai mô hình đã chứng minh tính hiệu quả về kinh tế cũng như khả năng bảo tồn, phát triển các nguồn gen dược liệu hướng đến phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên.
4. Nhằm nâng cao giá trị của dược liệu, tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp với việc ứng dụng khoa học công nghệ, đề tài đã liên kết với doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất thử 04 thực phẩm chức năng dạng viên nang mềm phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các kết quả thu được cho thấy vai trò của khoa học, công nghệ kết hợp với doanh nghiệp tạo ra động lực quan trọng cho việc phát triển nông nghiệp, dược liệu đối với vùng Tây Nguyên.
5. Bên cạnh các dược liệu chủ lực cần phát triển lớn trong thời gian tới, nhiều loài dược liệu khác cần phải có kế hoạch bảo tồn cho nên đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen dược liệu của vùng Tây Nguyên cũng như xây dựng các phương pháp nhân giống, trồng trọt đối với 2 loài Lan gấm và Tam thất làm cơ sở để tiếp tục xây dựng các giải pháp phát triển đối với các loài có giá trị khác.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19683/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/