Nghiên cứu chọn tạo giống dâu và giống tằm cho vụ hè đạt năng suất cao cho các tỉnh phía Bắc
Thời gian gần đây, với việc đầu tư thâm canh đưa các giống dâu mới năng suất cao chịu phân bón vào sản xuất đại trà đã dẫn đến sự bùng phát và gây hại nghiêm trọng của một số đối tượng sâu bệnh như: sâu cuốn lá, sâu đo, sâu róm, rệp muội, bệnh gỉ sắt, bạc thau…hại dâu, trong đó sâu cuốn lá, rệp muôi và bệnh bạc thau hại dâu một số nơi đã thành dịch, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và làm giảm năng suất và chất lượng lá dâu. Đến nay, nước ta chưa có nghiên cứu một cách chuyên sâu và bài bản về một số sâu bệnh chính nêu trên, điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống khi xuất hiện sâu bệnh trên diện rộng và ở mức độ nghiêm trọng.
Mặt khác, vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung thời gian mùa hè kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9, không phù hợp với yêu cầu sinh lý của tằm lưỡng hệ kén trắng. Nuôi tằm ở mùa hè bị bệnh rất nhiều đặc biệt là bệnh vius và vi khuẩn, năng suất kén thu được bình quân trên vòng trứng rất thấp. Trong khi đó sản lượng lá dâu ở vụ hè thường chiếm 65-70% tổng sản lượng lá dâu trong năm. Để khai thác triệt để sản lượng lá dâu vụ hè cần chọn tạo giống đa hệ lai kén vàng có sức chống chịu tốt, chất lượng tơ kén khá, bổ sung cho cơ cấu giống đa hệ lai kén vàng, năng suất, chất lượng còn chưa cao.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương do TS. Nguyễn Thị Min dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống dâu và giống tằm cho vụ hè đạt năng suất cao cho các tỉnh phía Bắc” từ năm 2016 đến năm 2020 với mục tiêu chọn tạo được giống dâu lai phù hợp cho việc cắt cành thích hợp cho việc nuôi tằm ở các thời vụ khác nhau; chọn tạo giống tằm mới cho vụ hè có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chịu được một số bệnh hại chính (virus, vi khuẩn).
Kết quả khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình cho thấy giống dâu lai GQ20 (TH3) sau khi cắt cành 3 lần/năm có nhiều ưu điểm hơn so với giống dâu đối chứng VH15 như: Số mầm nảy đạt 22,15 mầm và số mầm nảy hữu hiệu 11,09 mầm tăng 20,84%; Chiều dài cành đạt 88,58 cm tăng 12,16%; Tổng chiều dài cành 942,46 cm tăng 30,71%; Kích thước lá, chiều dài 19,41 cm và chiều rộng 16,26 cm tăng 16%. Khối lượng 100 cm2 lá đạt 1,97 g tăng 10%; Năng suất lá 35,38 tấn/ha tăng 15,16%. Phẩm chất lá thông qua kết quả nuôi tằm cho năng suất kén cao hơn từ 4,67% so với giống dâu đối chứng VH15.
Xây dựng quy trình trồng dâu giống mới cho kết quả như sau:
- Vụ Xuân trồng dâu bằng phương pháp gieo thẳng vào đầu vụ; Vụ Hè trồng dâu bằng phương pháp gieo qua bầu vào đầu Hè; Vụ Thu có thể trồng dâu bằng cả 2 phương pháp:Trồng dâu qua bầu hoặc qua vườn ươm.
- Khi tỷ lệ cây bị rệp >30 % thì phải sử dụng biện pháp hóa học: Phun thuốc Marshal 200 EC với nồng độ 0,25%, phun 400 lít dung dịch thuốc/ha. Thời gian cách ly hái lá nuôi tằm là 9 ngày trở lên,
- Trồng dâu ở mật độ 60.000 cây/ha và thu hoạch theo phương pháp cắt cành 3 lần kết hợp với hái lá 2 lần/năm cho năng suất cao, giảm chi phí lao động trong khâu thu hoạch lá, mang hiệu quả kinh tế cho người nuôi tằm.
- Bón phân với tỷ lệ 450N:225 P2O5: 225K2O5 (978 kg ure, 1406,25 kg supe lân, 375 kg kaliclorua) cho năng suất lá dâu trên 100m2 đạt cao nhất đạt 468,99 kg/100m2/năm, và đảm bảo năng suất kén, khối lượng vỏ kén và tỷ lệ vỏ kén cao nhất.
- Khảo nghiệm sản xuất 2 giống tằm VNT2, VNT3 cho kết quả năng suất kén đạt 12,67-13,12 kg/vòng trứng, tăng 8,65-11,86%. Các chỉ tiêu công nghệ tơ kén như chiều dài tơ đơn tăng 1,69-3,93%, tỷ lệ lên tơ 78,38 - 80,65%, tỷ lệ tơ nõn 9,60 - 9,69% và tiêu hao kén 10,32-10,42 kg, giảm 1,98 - 2,92% so với đối chứng. Giống tằm VNT2 có thành tích cao và ổn định hơn giống tằm VNT3 ở các lứa nuôi và các địa phương.
- Xây dựng mô hình nuôi tằm giống mới VNT2, năng suất kén bình quân đạt 12,75 kg kén/vòng trứng, cao hơn đối chứng 11,16%. Hiệu quả kinh tế đạt 216.750.000 đồng/ha/năm, tăng so với giống đang nuôi đại trà trong sản xuất là 11,2%. Nhân giống VNT2 dễ thực hiện, hệ số nhân giống đạt 10,68 vòng trứng/kg kén cao hơn đối chứng 13,65%. Giá thành sản xuất 1 vòng trứng thấp 37.910 đồng, tiết kiệm chi phí sản xuất được 11,11%.
Đối với việc xây dựng quy trình nuôi tằm giống mới:
- Khi nhiệt độ cao, ẩm độ cao ấp trứng trong phòng sử dụng điều hòa cho các chỉ tiêu về sinh học và kinh tế cao nhất.
- Khi nhiệt độ cao, ẩm độ thấp ấp trứng trong phòng sử dụng máy phun ẩm và quạt gió cho các chỉ tiêu về sinh học và kinh tế cao nhất.
- Nuôi tằm con bằng biện pháp lót và đậy nilon hạn chế được tỷ lệ tằm giảm từ 31,05-59,10 so với không che đậy và cho năng suất chất lượng kén cao hơn đối chứng là 8.31%, năng suất cao nhất 704g và tỷ lệ vỏ kén đạt 22,48%.
Thông qua việc chọn lựa giống tằm mới phù hợp với địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật một cách khoa học (chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý và tuân thủ kỹ thuật phòng trị bệnh…) sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế, là điểm mẫu về nuôi tằm hiệu quả, có sức lan tỏa trong các vùng trồng dâu nuôi tằm khác, góp phần phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19623/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/