Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Nhằm xây dựng và quản lý được CDĐL Vĩnh Châu cho sản phẩm bào xác Artemia nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm trên thị trường, góp phần ổn định chất lượng, chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, hình thành sự ổn định và nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ThS. Đặng Phúc Giang cùng các cộng sự của mình tại Trung tâm phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện dự án: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” với mục tiêu cụ thể đó là: xây dựng được hồ sơ chi tiết, đáp ứng yêu cầu cơ sở khoa học và thực tiễn để nộp đơn đăng ký CDĐL, sản phẩm Artemia Vĩnh Châu được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ CDĐL; xây dựng văn bản chính sách về quản lý CDĐL và các công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, khai thác và quảng bá CDĐL Vĩnh Châu; hỗ trợ xây dựng và thử nghiệm mô hình quản lý, kiểm soát, sử dụng CDĐL nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mang CDĐL gắn với chuỗi giá trị.
Sau 2 năm triển khai (từ 2019 đến 2021), Dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc đề ra. Đáp ứng các điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định, các kết quả của dự án là căn cứ đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu cho sản phẩm Artemia. Theo đó, Dự án đã hoàn thành toàn bộ các hoạt động của mình và đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận như sau:
- Chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu đã được cấp văn bằng bảo hộ theo Cấp văn bằng bảo hộ số 00095 theo Quyết định số 4655/QĐ-SHTT ngày 03/12/2020 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
- Các văn bản phục vụ hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu được UBND tỉnh ban hành. Các quy định về cấp quyền sử dụng và kiểm soát chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng ban hành và đưa vào vận hành thử nghiệm.
- Xây dựng được mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Phát huy vai trò của Nhà nước, tổ chức tập thể, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Mô hình đã được vận hành trên thực tế và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương mại sản phẩm chỉ dẫn địa lý.
- Các phương tiện quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được thiết kế, xây dựng một cách chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động truyền thông, nâng cao hình ảnh của chỉ dẫn địa lý Artemia trên thị trường. Việc các doanh nghiệp sử dụng các công cụ, kết quả của dự án là mình chứng cho sự phù hợp của các sản phẩm trên thực tế.
Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý nói chung và chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu nói riêng. Dự án kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý theo hướng cụ thể hoá các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý (Dưới dạng Thông tư của Bộ KH&CN). Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý. Trong đó, quy định rõ vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, tổ chức tập thể, chủ thể sử dụng,… trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý nhằm phát huy các giá trị về danh tiếng, chất lượng của các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên thị trường, mang lại thu nhập cho người sản xuất, khai thác các lợi thế nhờ chỉ dẫn địa lý mang lại trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các kiến nghị cụ thể nhằm quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Vĩnh Châu và các đơn vị chuyên môn liên quan nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất Artemia phù hợp nhằm ổn định vùng sản xuất và canh tác bên vững cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia đã đăng ký bảo hộ do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và sự xuất hiện của các công trình điện gió trên địa bàn có ảnh hưởng đến diện tích và điều kiện canh tác Artemia tại Vĩnh Châu.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND thị xã Vĩnh Châu, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cần cực phối hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực, vai trò của HTX Artemia Vĩnh Châu trong việc tham gia hỗ trợ, quản lý, kiểm soát và phát triển đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Bước đầu cần thiết xem xét bố trí hỗ trợ nguồn lực phù hợp về tài chính, nâng cao trình độ cho HTX trong việc đảm nhận vai trò hỗ trợ quản lý nhà nước theo Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu đã được UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành. Tổ chức quản lý, kiểm soát, cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đáp ứng điều kiện bảo hộ và tuân thủ các quy định đã ban hành. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ các đề tài, dự án nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng trứng bào xác, khuyến khích đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến sinh khối nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất Artemia. Hỗ trợ triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện đại trong việc giám sát quá trình sản xuất, phân phối và đảm bảo niềm tin của khách hàng trong nước và nước ngoài giúp phát huy lợi thế của địa phương trong việc nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đặc biệt là đồng bào Khmer tại Vĩnh Châu.
Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là với Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý Artemia tại các sự kiện, hội chợ, xúc tiến thương mại của ngành thủy sản. Tận dụng các phương thức truyền thông như các kênh trên internet, thương mại điện tử, kênh quảng cáo tại các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, các kênh, sự kiện của ngành thủy sản.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19784/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/