Ứng dụng công nghệ gen chọn tạo các dòng lợn thuần có khả năng sinh sản và sinh trưởng cao từ nguồn gen nhập khẩu phục vụ chăn nuôi công nghiệp
Trong vài thập kỷ qua, việc phát triển và ứng dụng rộng rãi phương pháp đánh giá giá trị giống BLUP (Best Linear Unbiased Prediction) trong các quốc gia phát triển đã giúp dự đoán giá trị giống chính xác hơn nhiều so với các phương pháp chọn lọc kiểu hình trước đây. Do vậy, trên thế giới, các tiến bộ di truyền của các tính trạng năng suất ở lợn đạt được những năm qua là do chọn lọc dựa trên giá trị giống dự đoán bằng phương pháp BLUP. Cho đến thời điểm hiện tại, phương pháp này vẫn đang được áp dụng rất phổ biến trong tất cả các quốc gia phát triển vì có chi phí thấp và đặc biệt phù hợp với các đối tượng vật nuôi có khoảng cách thế hệ tương đối ngắn như lợn. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các tính trạng chịu tác động lớn bởi môi trường, khả năng cải tiến di truyền các tính trạng còn chậm, độ chính xác chưa cao.
Gần đây, cùng với sự phát triển vượt trội của ngành di truyền phân tử và công nghệ sinh học, các locus tính trạng số lượng (QTL) và các gen chức năng được phát hiện, có liên kết chặt chẽ với các tính trạng kinh tế ở lợn. Do vậy, các nhà chọn giống đã nghiên cứu tính đa hình kiểu gen để ứng dụng vào chọn giống, cải thiện năng suất sinh sản, sinh trưởng ở đàn lợn. Công nghệ phân tích kiểu gen hiện nay đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Trong số đó có 1 số gen được phát hiện có ảnh hưởng lớn nhất đến các chỉ tiêu năng suất sinh sản và sinh trưởng của lợn. Đối với tính trạng sinh sản ở lợn, nhiều gen đã được phát hiện có ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu như tổng số con sinh ra/ổ, tổng số con còn sống trên ổ, số con cai sữa trên ổ như gen ESR (Humpolicek và cs., 2007; Wang và cs., 2006), gen FSHB (Zhao và cs ., 1998; Humpolicek và cs., 2007; Wang và cs., 2006; Nakarin và Supamit ., 2012) và gen PRLR (Katalin kovacs và cs., 2010; Vincent và cs., 2009; Ziolkowska và cs., 2010; Van Rens và cs., 2010; Kmieć và cs., 2010).
Đối với các tính trạng sinh trưởng, gen MC4R và PIT-1 đã được khám phá với vai trò như một gen điều hoà các hormone sinh trưởng ở tuyến yên và có tương quan chặt chẽ với tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ nạc và dày mỡ lưng. Ở lợn, nhiều tác giả đã nghiên cứu và cho biết gen PIT-1 có liên quan mật thiết với khối lượng sơ sinh (Yu và cs., 1996; Zhao và cs., 2002), khối lượng cai sữa, tăng khối lượng trung bình g/ngày, dày mỡ lưng (Yu và cs., 1995; Zhao và cs., 2002) và tỷ lệ nạc (Stancekova và cs., 1999; Zhao và cs., 2002). Gen MC4R nằm trên NST số 1 của lợn có tới 8 đột biến khác nhau được phát hiện trên gen này có tương quan mật thiết đến khả năng tăng khối lượng của lợn nói chung và đối với lợn Duroc nói riêng, trong đó có nhiều nghiên cứu cho thấy tương quan chặt với khả năng tăng khối lượng trung bình (Kim và cs., 2000; Stachowiaketal., 2005; Kim và cs., 2006;) tỷ lệ nạc (Kim và cs.,2006; Davoli và cs., 2012) độ dày mỡ lưng (Fan và cs., 2010; Davoli và cs., 2012; Schwab và cs.,2009)
Xuất phát từ thực tế trên, Chủ nhiệm đề tài Trần Xuân Mạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân DABACO thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ gen chọn tạo các dòng lợn thuần có khả năng sinh sản và sinh trưởng cao từ nguồn gen nhập khẩu (Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch và Đài Loan) phục vụ chăn nuôi công nghiệp” với mục tiêu: Ứng dụng công nghệ gen chọn tạo các dòng lợn thuần có năng suất sinh sản và tăng trưởng cao để đưa vào sản xuất giống, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm thịt, từ đó nâng cao hiệu quả cũng như lợi thế cạnh tranh của ngành chăn nuôi lợn.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đàn lợn hạt nhân 200 nái Landrace mang đồng thời 2 kiểu gen CC của gen FSHB và kiểu gen BB của gen PRLR có năng suất sinh sản cao, các chỉ tiêu về số con sơ sinh sống/ổ đạt 12,77 con, số con cai sữa/nái/năm đạt 27,45 con cao hơn so với các chỉ tiêu tương ứng của đàn nái trước khi chọn lọc là 1,72 con và 2,77 con, đàn hạt nhân có mức độ ổn định và đồng đều cao, hệ số biến động mẫu CV% của các chỉ tiêu trên đạt tương ứng là 2,53 và 3,53%, và không có sự khác nhau giữa về năng suất sinh sản giữa các lô thí nghiệm được bố trí theo dõi.
- Đàn hạt nhân 200 nái Yorkshire mang đồng thời kiểu gen BB của gen ESR, kiểu gen BB của gen PRLR có năng suất sinh sản cao, các chỉ tiêu về số con sơ sinh sống đạt 13,49 con, số con cai sữa/nái/năm đạt 28,27 con cao hơn so với các chỉ tiêu tương ứng của đàn nái trước khi chọn lọc là 1,88 và 3,56 con, đàn lợn có độ ổn định và đồng đều cao, , đàn hạt nhân có mức độ ổn định và đồng đều cao, hệ số biến động mẫu CV% của các chỉ tiêu trên đạt tương ứng là 5,24 và 5,27%, và không có sự khác nhau giữa về năng suất sinh sản giữa các lô thí nghiệm được bố trí theo dõi.
- Đàn hạt nhân Duroc 100 nái và 20 đực, có khả năng tăng khối lượng trong giai đoạn 30-100kg cao, đạt trung bình tới 1015g/con/ngày, đàn lợn có độ ổn định và đồng đều cao, có khả năng tăng khối lượng cao hơn 111,6g/ngày trước chọn lọc, hệ số biến động mẫu ở chỉ tiêu tăng khối lượng trung bình đạt 5,88%. Đàn nái lai tổng hợp LY, YL cho năng suất sinh sản rất cao và ổn định, cu ̣thể: số con sơ sinh sống/ổ là 13,55 con, số con cai sữa/nái/năm là 29,43 con, cao hơn tới 1,2 con so sinh sống/ổ và 2,14 con cai sữa/nái/năm so với đàn trước khi chọn lọc.
- Đàn lợn thương phẩm 3 máu tạo từ nái bố mẹ LY, YL với đực Duroc được chọn lọc từ dự án cho khả năng tăng khối lượng cao, lợn đồng đều, tỷ lệ nạc cao, khả năng tăng khối lượng trong giai đoạn kiểm tra năng suất cá thể đạt trung bình 964/g/ngày, dao động từ 900 đến 1000 g/ngày, cao hơn tới 69g/ngày so với đàn trước chọn lọc.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19739/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.