Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-06-2024

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang, huyện Núi Thành phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và vùng lân cận

Khoảng 10 năm trở lại đây, thiên tai thường xuyên gây ra thiệt hại cho nền kinh tế biển của tỉnh Quảng Nam. Các khu vực cửa sông ven biển tỉnh Quảng Nam thường xuyên với đối mặt với các nguy cơ về bồi, xói và lũ lụt. Các trận lũ lớn và hiện tượng nước biển xâm thực đã diễn ra nghiêm trọng làm cuốn trôi nhiều bãi tắm đẹp, khu vực rừng phòng hộ và đang lấn sâu vào các khu dân cư ven biển, huyện Núi Thành và thành phố Hội An là một ví dụ điển hình. Đặc biệt, hiện tượng bồi lấp lòng dẫn sông Trường Giang và bồi, xói Cửa Lở đã diễn ra kéo dài trong nhiều năm. Hiện tượng bồi lấp lòng dẫn sông Trường Giang có thể một phần do lấn chiếm nuôi trồng thủy sản hay thiếu hụt dòng chảy tạo lòng. Quá trình này kéo dài có thể ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, thủy sinh, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển đô thị, giao thông thủy, cảnh quan… Một hiện tượng đáng quan tâm khác đó là hiện tượng phát triển doi cát ở bờ Bắc Cửa Lở gây bồi lấp và song song với đó là xói lở bờ Nam. Việc gây bồi lấp Cửa Lở khiến cho hàng nghìn tàu thuyền không thể ra biển, nó còn làm hạn chế khả năng thoát lũ và cũng được đánh giá là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng xói lở nghiêm trọng bờ Nam của Cửa Lở.

 

Nhận thấy các vấn đề về bồi lấp và xói lở tại khu vực sông Trường Giang và Cửa Lở đang ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi chưa có một công cụ, giải pháp đồng bộ và hiệu quả nào để giải quyết vấn đề nói trên, PGS. TS. Hồ Sỹ Tâm và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Thủy lợi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang, huyện Núi Thành phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và vùng lân cận” từ năm 2019 đến năm 2021.

Mục tiêu của đề tài là: i) Làm rõ chế độ thủy thạch động lực và quá trình biến đổi hình thái sông Trường Giang và vùng cửa sông ven biển; và ii) Đề xuất được giải pháp 3 chỉnh trị sông Trường Giang, vùng cửa sông ven biển đáp ứng được yêu cầu thoát lũ, giao thông thủy và phát triển bền vững kinh tế khu vực và vùng lân cận.

Dưới đây là các kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

- Các kết quả phân tích ảnh viễn thám về diễn biến hình thái khu vực Cửa Lở và đầm An Hòa chỉ ra mức độ biến động bồi xói tập trung ở khu vực Cửa Lở. Trong đó, sự phát triển kéo dài của doi cát bên bờ Bắc với tốc độ phát triển trung bình hàng năm là 40 m/năm, hiện tượng xói lở bên bờ Nam của Cửa Lở cũng diễn ra trong suốt chu kỳ hơn 30 năm (1988-2019) là 39,5 m/năm. Từ đó, đề tài xây dựng được các công thức để dự báo được tốc độ, diễn biến của Cửa Lở trong tương lai nếu không có các biện pháp chỉnh trị phù hợp;

- Dưới ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, kết hợp với điều kiện địa hình của mũi Bàn Than và rặng san hô làm cho sóng nhiễu xạ trước Cửa Lở rất phức tạp: bờ Bắc 0,7÷1,5 m; khu vực cửa 0,2÷1,0 m; và bờ Nam 0,2÷0,8 m;

- Dòng chảy trong thời kỳ gió mùa Đông Bắc và Tây Nam đều chỉ ra lưu tốc lớn ở khu vực Cửa Lở áp sát vào bờ Nam cả pha triều lên và triều rút. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xói bờ Nam, khu vực thôn Tân Lập và thôn Thuận An xã Tam Hải. Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy ngay phía đầu doi cát bờ Bắc hình thành một hoàn lưu đảo ngược gây bồi tụ, làm cho doi cát liên tục kéo dài về phía Nam;

- Kết quả mô phỏng biến đổi hình thái sau lũ cho thấy có xuất hiện các vùng bồi xói xen kẽ nhau dọc sông Tam Kỳ cho tới khu vực Cửa Lở. Tại vùng bờ phải Cửa Lở xuất hiện khu vực xói mạnh với độ sâu xói đạt từ -0,5÷-1,0 m. Tại khu vực cửa sông hình thành thềm cát ngầm tại khu vực từ 400÷700 m. Kết quả mô phỏng biến đổi địa hình do lũ điển hình rất phù hợp với kết quả phân tích cơ chế thủy động lực học và ảnh vệ tinh cũng như kết quả điều tra, khảo sát một số năm gần đây;

- Dựa trên hiện trạng kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển của khu vực nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được bộ tiêu chí kỹ thuật cho các giải pháp chỉnh trị sông và cửa sông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững sông Trường Giang và vùng phụ cận;

- Dựa vào kết quả phân tích nguyên nhân, cơ chế điễn biến hình thái Cửa Lở, đề tài đã đề xuất 03 phương án chỉnh trị nhằm hạn chế bồi, xói khu vực cửa và đáp ứng các yêu cầu khác của khu vực và kiến nghị chọn phương án C3;

- Phân tích điều kiện thủy lực và diễn biến hình thái, kết hợp với quy hoạch giao thông thủy cũng như các yêu cầu khác, đề tài đã đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang. Trong đó, riêng luồng tuyến được tính toán đảm bảo yêu cầu tuyến giao thông thủy nội địa cấp IV, giải pháp bảo vệ bờ theo hướng xanh, sinh thái nhằm “Giữ đa dạng sinh học cho Trường Giang”;

Đề tài này khi được triển khai hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả và ý nghĩa to lớn. Bằng việc xây dựng bộ công cụ nghiên cứu chế độ thủy thạch động lực và đưa ra được giải pháp chỉnh trị cho các vấn đề bồi lấp sông Trường Giang và bồi, xói vùng Cửa Lở, là cơ sở cho phát triển bền vững của vùng Nam Hội An và phía Đông tỉnh Quảng Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19922/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1265
Tổng lượt truy cập: 3.973.883
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!