Nghiên cứu định hướng giải pháp khai thác, sử dụng hợp lí và bảo vệ tài nguyên nước khoáng nước nóng lãnh thổ Việt Nam
Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên (NKNN) lãnh thổ Việt Nam được khai thác, sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu dân sinh: uống giải khát, ngâm tắm-nghỉ dưỡng - chữa bệnh, ăn uống sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa vùng khan hiếm nước, khai thác khí CO2,… NKNN là tài nguyên quý giá của quốc gia. Nếu tài nguyên NKNN kết hợp đồng bộ với các tài nguyên khác như: tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khí hậu, cảnh quan du lịch, di sản văn hoá kiến trúc và phát huy tổng hợp thế mạnh của các tài nguyên thì chắc chắn rằng vai trò của tài nguyên NKNN không hề nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh, nhất là tổ hợp ngâm tắm-nghỉ dưỡng, chữa bệnh kết hợp du lịch sinh thái.
Để giúp các nhà chức trách có cơ sở quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này và hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận nguồn tài liệu đầy đủ phục vụ KTSD nhằm phát triển kinh tế- xã hội và dân sinh, TS. Hồ Minh Thọ và các cộng sự tại Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thực hiện đề tài: “Nghiên cứu định hướng giải pháp khai thác, sử dụng hợp lí và bảo vệ tài nguyên nước khoáng nước nóng lãnh thổ Việt Nam”, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 11/ 2019.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu đánh giá được hiện trạng công tác điều tra, khai thác sử dụng các nguồn NKNN trên lãnh thổ Việt Nam; thiết lập được cơ sở khoa học và thực tiễn để định hướng giải pháp khai thác, sử dụng hợp lí và bảo vệ tài nguyên NKNN trên lãnh thổ Việt Nam; và xây dựng mô hình khai thác sử dụng tổng hợp nước khoáng, nước nóng (dạng pilot) tại một nguồn tự chọn.
Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Đã xác định lãnh thổ Việt Nam có 400 nguồn NKNN thiên nhiên đến thời điểm năm 2018. Thành lập bản đồ phân bố 400 nguồn NKNN thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam, tỉ lệ 1/1000000, trên bản đồ thể hiện 7 thông số chính: (1) Số hiệu nguồn; (2) Tên nguồn; (3) Toạ độ VN2000; (4) Vị trí địa lí; (5) Nhiệt độ; (6) Lưu lượng; (7) Loại NKNN. Tên gọi 400 nguồn NKNN trong báo cáo được gọi theo tên đơn vị hành chính nhỏ nhất nơi mà nó xuất lộ hoặc được phát hiện, được xác định khi khảo sát vị trí thực tế tại thực địa của thi công đề tài; Trong một nguồn NKNN khi có tên gọi khác ghi trong ngoặc đơn đó là tên gọi của nó có trước báo cáo này.
- Kết quả khảo sát, điều tra tại thực địa đã xác định có 239/400 nguồn NKNN đã và đang khai thác, sử dụng cho phát triển kinh tế- xã hội và dân sinh. Trong đó, có 67 giấy phép khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 34 giấy phép của UBND các tỉnh, 11 nguồn đang xin phép và 127 nguồn đang khai thác tự phát. Lãnh thổ Việt Nam có 6 tỉnh chưa phát hiện sự phân bố nguồn NKNN: Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Bình Dương. Trong số 57 tỉnh thành phố có phân bố NKNN thì có 52 tỉnh có khai thác NKNN, còn lại 5 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Nam Định, TP HCM, Bến Tre chưa có khai thác NKNN.
- Lãnh thổ Việt Nam đã xác định được 37 loại trong tổng số 400 nguồn NKNN trên cơ sở nguyên tắc xác định và kết quả phân tích các loại mẫu NK định danh, NK đóng chai và NK toàn diện đến năm 2017.
- Nguồn gốc hình thành và tuổi của 3 loại NKNN chủ yếu trên lãnh thổ Việt Nam đã được làm sáng tỏ bằng kĩ thuật đồng vị kết hợp với phân tích thành phần hóa học của các mẫu nước. Loại NK sulfua, silic-flo (phân tích mẫu nguồn Mỹ Lâm) và loại NK silic-flo (phân tích mẫu nguồn Vĩnh Phương) có nguồn gốc là nước mưa khu vực được bổ cấp từ vùng núi có độ cao khoảng trên 400 m so với mặt đất tại điểm xuất lộ. Nước mưa thấm qua các khe nứt của đất đá dập vỡ kiến tạo xuống bồn nhiệt và bị đun nóng làm tăng áp lực đẩy nước nóng trồi lên. Trên đường đi lên nước nóng được pha trộn với nước mưa bổ cấp tầng trên. Phần nước lạnh pha trộn với nước nóng ở ba nguồn nghiên cứu NK Mỹ Lâm, NK Quang Hanh và NK Vĩnh Phương tương ứng là 70%, 80% và 66%. Loại NK brom-iốt-bor (phân tích mẫu nguồn Quang Hanh) có nguồn gốc là nước biển được đun nóng tại bồn nhiệt, trồi lên và pha trộn với nước lạnh bổ cấp ở tầng trên cùng.
- Đã xây dựng 400 nguồn NKNN thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam (CSLD NKNN) trên nền tảng công nghệ dựa vào web.
- Dựa vào các cơ sở: pháp lí, lí thuyết, khoa học và thực tiễn, cũng như các nguyên tắc định hướng để xác định các nội dung định hướng khai thác, sử dụng hợp lí 400 nguồn NKNN thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả định hướng được thể hiện ở 2 nội dung: (1) Định hướng theo dạng khai thác và sử dụng; (2) Định hướng khai thác, sử dụng theo lãnh thổ.
- Đã xác định các nguyên tắc, giải pháp để định hướng bảo vệ chất lượng và trữ lượng nguồn NKNN với 3 đới bảo vệ gồm có đới lõi, đới giới hạn và đới 3 là diện tích bao bên ngoài đới 2 nhằm bảo vệ công trình khai thác trước các nguy cơ ô nhiễm từ xa, bao gồm các hóa chất khó hoặc không phân hủy.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19931/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.