Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 14-06-2024

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam

Biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề của phát triển bền vững, do con người gây ra, có quan hệ nhân quả, tác động qua lại lẫn nhau; là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21; đã, đang và sẽ làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội; đe dọa an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu.

 

Ở Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, suy thoái tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển đất nước. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước ta thời gian qua là do quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với trình độ công nghệ và quản lý lạc hậu, còn chưa thân thiện với môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng, làm phát sinh nhiều chất thải. Đổi mới sinh thái chính là một trong các hoạt động để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều chỉ số, chỉ thị đã được nghiên cứu, xây dựng và áp dụng hiệu quả, tuy nhiên đối với Việt Nam đổi mới sinh thái mới dừng ở mức định hướng chính sách; các nghiên cứu sâu về đổi mới sinh thái hiện nay chưa nhiều và đặc biệt chưa có nghiên cứu nào tổng quan được về cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế cũng như xây dựng được bộ chỉ số đổi mới sinh thái cho Việt Nam.

Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam” do Ths. Nguyễn Ngọc Tú cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện với mục tiêu: Xây dựng được bộ chỉ số đổi mới sinh thái phù hợp cho Việt Nam; Xây dựng được Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá mức độ đổi mới sinh thái của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nghiên cứu và áp dụng nhiều chỉ số/chỉ thị về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững như chỉ số đánh giá hoạt động môi trường, chỉ số hiệu quả tài nguyên, chỉ thị tăng trưởng xanh,… trong đó có chỉ số đổi mới sinh thái.

Nhằm đánh giá trình độ đổi mới định kỳ hàng năm của các quốc gia trên thế giới, Chỉ số đổi mới (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) xây dựng và phát triển, chỉ số này được dùng đánh giá định kỳ hàng năm và mỗi năm sẽ có một chủ đề tương ứng. GII bao gồm nhiều tiểu chỉ số/tiêu chí, GII 2017 với chủ đề "Sáng tạo Phục vụ Thế giới" được tổng hợp từ 81 tiểu chỉ số trong các lĩnh vực: thể chế/tổ chức, nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển kinh doanh, đầu ra công nghệ và tri thức, kết quả sáng tạo. Các tiểu chỉ số này được phân chia thành 2 nhóm theo 7 trụ cột:

- Nhóm tiểu chỉ số đầu vào gồm 5 trụ cột: Thể chế/tổ chức, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển kinh doanh

- Nhóm tiểu chỉ số đầu ra gồm 2 trụ cột: Đầu ra của tri thức và công nghệ và Đầu ra sáng tạo. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua việc cải thiện các chỉ số GII.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đổi mới sinh thái là một khái niệm rộng, bao gồm đổi mới trong kiểm soát ô nhiễm (công nghệ xử lý mới, tốt hơn hoặc rẻ hơn), sản phẩm xanh, công nghệ xử lý sạch hơn, công nghệ sử năng lượng xanh và công nghệ giảm phát sinh chất thải và kỹ thuật xử lý,… Trong khuôn khổ đề tài này Đổi mới sinh thái được xác định là là bất kỳ sự đổi mới nào làm giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát tán các chất độc hại trong toàn bộ vòng đời sản phẩm và bộ chỉ số đổi mới sinh thái là bộ chỉ số được dùng để so sánh, đánh giá, xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến bộ đến đâu trong việc tách rời giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường dựa trên các chỉ tiêu và phương pháp đã được xây dựng.

Theo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thì Đổi mới sinh thái được xác định là phương thức, con đường để hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước. Đổi mới sinh thái được xem là chất xúc tác chính cho việc thúc đẩy và thực hiện tăng trưởng xanh vì nó thúc đẩy tất cả các hình thức đổi mới làm giảm tác động đến môi trường và đổi mới sinh thái sẽ dẫn đến sự chuyển đổi nền kinh tế của một quốc gia sang nền kinh tế xanh. Chủ thể của chỉ số đổi mới công nghệ cũng sẽ là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và tùy theo khả năng thu thập nguồn số liệu.

Việc sử dụng chỉ số sinh thái đòi hỏi cần có nguồn thông tin và số liệu được thu thập định kỳ và có thể tiếp cận được thì mới có tác dụng nâng cao nhận thức của các bên liên quan và toàn xã hội trong việc thúc đẩy một xã hội hướng tới phát triển theo hướng xanh, bền vững. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng Chỉ số đổi mới sinh thái và áp dụng ở cấp tỉnh/thành phố, cần chú ý tới việc nâng cao nhận thức của các bên liên quan về đổi mới sinh thái trước khi áp dụng bộ chỉ số này. Bên cạnh đó, khi bộ chỉ số đã được thu thập thông tin và tính toán thì việc công bố công khai và đầy đủ chỉ số sinh thái cũng như các chỉ thị của nó cần được bảo đảm.

Chỉ số đổi mới sinh thái được áp dụng ở Châu Âu từ nhiều năm nay và bước đầu đã được áp dụng cho các nước ASEM. Tuy nhiên, đối với Việt nam, đổi mới sinh thái nói chung và chỉ số đổi mới sinh thái còn là những thuật ngữ còn mới mẻ. Hoạt động đổi mới sinh thái ở Việt Nam hiện nay đâu đó đã có xuất hiện trong các quy định ở các chính sách của Đảng và Nhà nước, và cũng đã được cụ thể hóa ở một số nhiệm vụ, dự án thí điểm liên quan đến đổi mới sinh thái.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19762/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 623
Tổng lượt truy cập: 3.973.239
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!