Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch nông nghiệp tại 3 huyện Đại từ, Định Hóa, Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên
Việt Nam với xuất phát điểm là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời trong khu vực và trên thế giới. Lịch sử Việt Nam gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch nói chung, Du lịch nông nghiệp hiện nay đang được quan tâm và phát triển. Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp tạo điều kiện cho du khách tiếp xúc, trải nghiệm đời sống nông thôn thông qua những hoạt động gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, cảnh quan nông thôn, phong tục tập quán và các di sản văn hóa bản địa. Người nông dân thông qua du lịch để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và cải thiện thu nhập từ nông nghiệp nhờ du lịch. Du lịch nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, tạo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên gắn với các địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử như Hồ Núi Cốc, ATK, hang Phượng Hoàng...đồng thời cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Với đặc điểm là vùng sản xuất chè lớn thứ hai trong cả nước, nhiều vùng trồng cây ăn quả, có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như gạo Bao thai Định Hóa, chè Tân Cương, chè Đại Từ, na dai của Võ Nhai... nơi đây hoàn toàn có thể phát triển du lịch nông nghiệp để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch.
Tuy nhiên, điểm yếu của Du lịch của Thái Nguyên là: thiếu hấp dẫn với du khách, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Một số điểm Du lịch nổi tiếng hiện nay đã bị bê tông hóa dẫn đến khó có thể thu hút thêm được khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự được gắn với các khu du lịch, người dân chưa được đào tạo các kiến thức về canh tác hữu cơ, về du lịch, chưa có điểm để khách du lịch dừng nghỉ do vậy thiếu tính hấp dẫn với du khách.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy cũng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm môi trường tài nguyên miền núi thực hiện đề tài “Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch nông nghiệp tại 3 huyện Đại từ, Định Hóa, Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên” với mục tiêu: Đánh giá được hiện trạng sản xuất nông lâm nghiệp và tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch nông nghiệp tại 3 huyện; Xây dựng được 03 mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững (nông lâm nghiệp) kết hợp du lịch nông nghiệp đặc trưng cho vùng núi tại 3 huyện; Nâng cao năng lực cho người dân, cộng đồng và các bên liên quan về sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp.
Sau thời gian thực hiện, đề tài đã đánh giá được hiện trạng sản xuất nông lâm nghiệp tại 3 huyện Đại Từ, Định Hóa và Võ Nhai. Trong ba huyện đánh giá, huyện Đại Từ có thu nhập thuần từ một ha cao nhất đạt 117,87 triệu đồng/ha, huyện Định Hóa đạt 85,03 triệu đồng /ha, huyện Võ nhai đạt thấp nhất với tổng thu là 65,80 triệu đồng /ha. Trong thành công của công cuộc xây dựng NTM toàn tỉnh, huyện Định Hóa đã có 9/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt bình quân từ 10-18 tiêu chí, huyện Võ Nhai đã có 6 xã đạt chuẩn xã NTM, 1 xã đạt xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã có 18/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,57 tiêu chí nông thôn mới/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, đời sống người dân tại các vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, người dân cũng gặp một số khó khăn trong sản xuất như thị trường tiêu thụ, nhân công lao động và vốn
Đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch nông nghiệp tại 3 huyện cho thấy: Xét theo điểm đánh giá các tiêu chí thì Đại Từ có hai xã có tiềm năng phát triển Du lịch nông nghiệp nhất là: La Bằng, Hoàng Nông và Quân Chu. Huyện Định Hóa có Xã Phú Đình, Điềm Mặc. Huyện Võ Nhai có xã Phú Thượng, La Hiên và Thần Sa. Người dân tại các xã có tiềm năng còn thiếu và yếu về kiến thức du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng, du lịch nông nghiệp được quan tâm nhưng chưa được đầu tư, chưa có các chiến lược, quy hoạch phát triển.
Xây dựng được 03 mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững (nông lâm nghiệp) kết hợp du lịch nông nghiệp đặc trưng cho vùng núi tại 3 huyện, mỗi mô hình 8 ha, với tổng số hộ dân tham gia là 56 hộ. Các mô hình đã đi vào hoạt động đón khách du lịch từ năm 2020. Mô hình thu hút được lao động tại địa phương góp phần nâng cao thu nhập của người dân tham gia mô hình thông qua việc tham gia vào các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Tập huấn cho 45 cán bộ về phương pháp tổ chức quản lý du lịch tại cộng đồng, 300 người dân tại 6 xã kiến thức về canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, về phát triển các dịch vụ nông nghiệp.
Thành lập được website và fanpage để thông tin các sản phẩm nông nghiệp, quảng cáo các điểm tại các mô hình tại 3 huyện và các điểm lân cận. Website và fanpage có lượng truy cập cao, góp phần tích cực cho việc truyền thông thông tin dự án cũng như cho khách du lịch. Hoàn thiện cuốn tài liệu hướng dẫn về phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch nông nghiệp. Tài liệu đã được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái nguyên, Văn phòng nông thôn mới Trung ương tiếp nhận.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19981/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.