Chế phẩm từ vỏ tôm giúp cá Koi lên màu đẹp
Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) đã xây dựng quy trình thu nhận chế phẩm chứa astaxanthin và protein từ vỏ tôm, có thể bổ sung vào thức ăn, giúp cá cảnh lên màu đẹp.
Cá Koi là một trong những đối tượng cá cảnh được yêu thích vì có màu sắc đẹp và có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các loài cá cảnh khác, sau một thời gian nuôi trong môi trường nhân tạo, màu sắc của cá sẽ nhạt và kém rực rỡ. Đối với hầu hết các loài cá, các carotenoid được xem là những sắc tố quan trọng nhất trong việc làm tăng màu sắc, vì chúng không tự tổng hợp mà được lấy từ khẩu phần ăn. Do đó, một trong những giải pháp để cải thiện và duy trì màu sắc đẹp ở cá là bổ sung các carotenoid vào thức ăn của chúng.
Có nhiều cách tạo màu sắc cho cá vừa an toàn, vừa tiện lợi, trong đó, việc bổ sung sắc tố carotenoid là dễ áp dụng nhất. Trong nuôi trồng thủy sản, loại carotenoid thường được sử dụng nhất là astaxanthin, bởi chúng cung cấp sắc tố, tạo màu sắc đẹp cho tôm, cá....
Phụ phẩm từ tôm chủ yếu bị thải bỏ. Ảnh: CC
Các phụ phẩm tôm đã được chứng minh là có chứa hàm lượng protein lớn, đồng thời là một nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất chitin và astaxanthin. Ở Việt Nam, trong công nghiệp chế biến tôm, phần lớn tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỷ lệ đầu chiếm 34 - 45%, phần vỏ chiếm 10 - 15% trọng lượng của tôm nguyên liệu, do đó lượng phế phẩm tôm ở Việt Nam ước tính vào khoảng hơn 300 ngàn tấn/năm. Phần lớn các phế phẩm này chưa được tái sử dụng hết và bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường.
Để tận dụng nguồn phụ phẩm từ tôm, nhóm tác giả ở Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản đã thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình thu nhận chế phẩm chứa astaxanthin và protein từ vỏ đầu tôm bổ sung vào thức ăn cho cá koi và tôm thẻ chân trắng”.
Quy trình thủy phân phụ phẩm tôm bằng enzyme, được nhóm tác giả xây dựng ở điều kiện thủy phân tối ưu: nồng độ enzyme 0,2%, nhiệt độ thủy phân 58oC, thời gian thủy phân 60 phút; pH 7,6. Kết quả dịch thủy phân có độ ẩm 65 - 68%, protein 21 - 24%, mức độ thủy phân 74%, astaxanthin 203 ppm/l. Dịch thủy phân có nhiều chuỗi peptide mạch ngắn,đầy đủ các axit amin và các axit béo thiết yếu giúp dễ dàng hấp thu và đồng hóa bởi dịch tiêu hóa của động vật.
Dịch thủy phân vàastaxanthin từ vỏ tôm. Ảnh: NNC
Bã đầu vỏ tôm sau khi thủy phân được nhóm tách chiết lấy astaxanthin. Hiệu suất tách chiết đạt 76,8%, hàm lượng astaxanthin khoảng 3.600 mg/kg. Thử nghiệm bổ sung astaxanthin thành phẩm vào thức ăn trong nuôi cá Koi cho thấy, sau 60 ngày nuôi, cá có màu sắc đẹp, tươi sáng hơn so với cá không bổ sung chế phẩm. Khi bổ sung với hàm lượng 60 và 80 mg astaxanthin/kg thức ăn thì cá có màu sắc tươi sáng và đẹp nhất.
Đối với tôm thẻ chân trắng, khi cho thức ăn có bổ sung (6 – 8%) dịch thủy phân tôm, cho thấy, tôm tăng trưởng nhanh, tương đương sản phẩm dịch thủy phân thương mại. Ngoài ra, hệ số FCR (hiệu quả sử dụng thức ăn) đạt 1,22, cải thiện khoảng 12,2% so với không bổ sung dịch. Đánh giá màu sắc của tôm sau khi luộc chín bằng phương pháp cảm quan cho thấy, khi bổ sung dịch thủy phân vào khẩu phần thức ăn thì tôm cho màu sắc đỏ tươi và màu sắc tôm tăng tỉ lệ thuận với hàm lượng bổ sung dịch.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, các loại thức ăn chế biến có bổ sung sắc tố, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau cho cá cảnh chủ yếu nhập ngoại với giá thành cao. Kết quả nghiên cứu có thể hướng tới sản xuất astaxanthin trong nước, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành thủy sản, đồng thời ứng dụng trong ngành thực phẩm, dược phẩm.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.