Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-06-2024

Xây dựng thành công mô hình bảo tồn 2 loài Lan nguy cấp, quý, hiếm

Gần đây, PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh và cộng sự Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã xây dựng thành công mô hình bảo tồn, phát triển 2 loài Lan nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị cao là Lan hài chai (Paphiopedilum callosum (Rchb.f.) Stein) và Lan hài đài cuốn (Paphiopedilum appletonianum (Gower) Rolfe). Kết quả nghiên cứu góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát triển các loài nguy cấp, quý, hiếm nói riêng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

Cây Lan hài đài cuốn đã nở hoa trong mô hình ở VQG Bidoup-Núi Bà

Loài Lan quý cần được bảo tồn
Lan hài chai (Paphiopedilum callosum (Rchb.f.) Stein), còn gọi là Lan vân hài, là loài thân thảo đa niên, mọc dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ở sườn núi hay ven suối, ở độ cao 300-1300 m, rải rác trên đất có nhiều mùn. Nở hoa tháng 4-6. Tái sinh trong tự nhiên bằng hạt.

Quần thể Lan hài chai (P. callosum) phát hiện tại Đắk Lắk

Lan hài đài cuốn (Paphiopedilum appletonianum (Gower) Rolfe) là loài thân thảo đa niên, mọc dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa hỗn giao cây lá rộng-cây lá kim trên núi đá granit, ở độ cao 900-1900 m, thành nhóm nhỏ trên đất giàu mùn ở sườn gần đỉnh núi. Cây nở hoa tháng 3-5. Cây chủ yếu tái sinh tự nhiên từ hạt.

Nhiệm vụ tổ chức tập huấn về bảo tồn 02 loài Lan cho người dân

Ở Việt Nam, 2 loài Lan này xuất hiện ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Tây Nguyên. Theo Averyanov (2007), loài Lan hài chai ở Việt Nam có 3 thứ: P. callosum var. callosumP. callosum var. warnerianum và P. callosum var. potentianum. Trong đó, P. callosum var. callosum là thứ phổ biến nhất ở khu vực Đông của Đông Dương, P. callosum var. callosum trước đây phân bố cả ở Thừa Thiên Huế và Tây Nguyên. Tuy nhiên, các quần thể này ở Thừa Thiên Huế đã tuyệt chủng. Hai thứ còn lại chỉ phân bố ở Tây Nguyên. Lan hài chai là một trong những loại Lan phổ biến nhất trên thị trường vì sự đa dạng về hình dạng, kích thước và màu sắc của nó.

Trong danh lục Đỏ của IUCN, năm 2020, có tới 1641 loài thuộc họ Lan, trong đó loài Lan hài chai và Lan hài đài cuốn đều thuộc cấp độ nguy cấp. Ở nước ta, Nhóm I Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019) bao gồm 22 loài Lan, trong đó có cả Lan hài chai và Lan hài đài cuốn. Hai loài này còn nằm trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019). Do đó, việc điều tra, nghiên cứu 2 loài Lan này là cần thiết, có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao nhằm cung cấp các biện pháp hiệu quả hỗ trợ, bảo tồn những loài nguy cấp, quý, hiếm để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Điều tra, nghiên cứu, bảo tồn

Đóng góp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể là xây dựng quy định, quy trình kỹ thuật về bảo tồn, phát triển bền vững 2 loài Lan nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị cao, PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh và cộng sự đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ: “Điều tra, đánh giá, đề xuất quy định, quy trình kỹ thuật bảo tồn và xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển 02 loài Lan nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị cao, được ưu tiên bảo vệ: Lan hài chai (Paphiopedilum callosum (Rchb.f.) Stein) và Lan hài đài cuốn (Paphiopedilum appletonianum (Gower) Rolfe) ở Việt Nam” (mã số: UQSNMT.01/21-23).

Qua quá trình điều tra, các nhà khoa học đã bổ sung thông tin quan trọng về khu vực phân bố, nhu cầu ánh sáng, đặc điểm thổ nhưỡng, thành phần vi sinh vật trong đất nơi 2 loài Lan phát triển và các loài tuyến trùng ký sinh để phục vụ phòng chống bệnh hại thực vật trong công tác bảo tồn. Cũng trong nghiên cứu, mô hình 1 hecta cho loài Lan hài chai và 1 hecta cho Lan hài đài cuốn đã được xây dựng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: Kết quả nghiên cứu có giá trị thiết thực góp phần vào bảo tồn, phát triển 2 loài Lan nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài mô hình bảo tồn 2 loài Lan, ông và cộng sự đã xây dựng bộ dữ liệu về sinh học, sinh thái, hiện trạng của 2 loài và đề xuất quy định, quy trình kỹ thuật bảo tồn và phát triển 2 loài Lan. Trong đó, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, mô hình bảo tồn là bộ sản phẩm tổng hợp đầy đủ đầu tiên về các phương diện bảo tồn loài Lan hài chai và Lan hài đài cuốn ở Việt Nam. Lần đầu tiên, 2 loài Lan hài được nhân giống bảo tồn từ hạt và đây cũng là lần đầu tiên thành phần các nhóm nấm mốc, vi khuẩn, xạ khuẩn và các loài tuyến trùng chính ký sinh trên Lan hài đài cuốn được xác định. Các quy định bảo tồn và phát triển 2 loài Lan có thể áp dụng tại Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học. Các sản phẩm khác được ứng dụng cho các cơ sở khi đăng ký nhân giống và trồng 2 loài Lan. Với những thành công bước đầu, các nhà khoa học mong muốn được tiếp tục giám sát, phát triển mô hình bảo tồn 2 loài Lan.

Một số hình ảnh thiết lập mô hình

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 2791
Tổng lượt truy cập: 3.965.962
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!