Nghiên cứu đánh giá mức độ tổn thương một số ngành kinh tế phục vụ phát triển bền vững một số khu kinh tế trọng điểm do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề cần giải quyết khẩn cấp hiện nay đối với mỗi quốc gia và mỗi vùng lãnh thổ. Với biểu hiện dưới các dạng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan, BĐKH đang đe dọa tới tất cả các quốc gia, trong đó những nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Khả năng bị tổn thương của hệ thống kinh tế- xã hội không phải là yếu tố tĩnh mà các ảnh hưởng của BĐKH sẽ làm gia tăng nhiều hình thức tổn thương của con người. Các hệ thống tự nhiên bị chuyển đổi thông qua sản xuất nông nghiệp hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) - các đập và đường giao thông - tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng có thể tạo ra những rủi ro mới cho con người. Thêm vào các quá trình đó, BĐKH làm tăng thêm áp lực cho tự nhiên, con người và các hệ thống xã hội. Sinh kế của con người phải hoạt động trong những điều kiện mà hầu như chắc chắn sẽ thay đổi nhưng lại không thể dự đoán được với mức độ chắc chắn cao.
Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và Phú Quốc là hai khu kinh tế quan trọng bậc nhất trong hệ thống các khu kinh tế tại Việt Nam. Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô được thành lập nhằm tạo ra một động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ trên cơ sở phát huy các điều kiện địa lý thuận lợi. Khu kinh tế Phú Quốc là một trong ba khu kinh tế lớn nhất Việt Nam và là khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt đây là hai khu kinh tế tiêu biểu cho vị thế quan trọng bậc nhất biển đảo Việt Nam: ven biển (Chân Mây - Lăng Cô), đảo (Phú Quốc). Hai khu kinh tế trọng điểm này rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu nước biển dâng. Chính vì vậy, việc đánh giá mức độ tổn thương một số ngành kinh tế tại 2 khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và Phú Quốc do tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng (BĐKH NBD) là việc làm rất quan trọng và thiết thực.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Lưu Văn Thủy cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững cùng thực hiện “Nghiên cứu đánh giá mức độ tổn thương một số ngành kinh tế phục vụ phát triển bền vững một số khu kinh tế trọng điểm do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng” với mục tiêu: Xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn nghiên cứu mức độ tổn thương của một số ngành kinh tế tại một số khu kinh tế trọng điểm do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH, NBD); Xác định được mức độ tổn thương của một số ngành kinh tế của 2 khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Phú quốc; Đề xuất được giải pháp thích ứng BĐKH, NBD nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương một số ngành kinh tế do BĐKH, NBD.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và Phú Quốc là nơi có có vị thế địa chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng hàng đầu ở khu vực miền Trung và phía nam Việt Nam. Bên cạnh đó, 2 khu kinh tế này có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của cả nước; hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
2. Biến đổi khí hậu nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nói chung, tới các khu kinh tế trọng điểm nói riêng, trong đó có 2 khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và Phú Quốc; đã và đang gây ra những tổn thương khá nặng nề về kinh tế- xã hội tại đây. Để đánh giá mức độ tổn thương một số ngành kinh tế tại đây, chúng tôi áp dung phương pháp IPCC và có kết quả về mức độ tổn thương một số ngành kinh tế theo kịch bản BĐKH, NBD RCP 6.0 năm 2030 như sau:
* Đối với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - Mức độ tổn thương ngành giao thông vận tải:
+ Vùng tổn thương cao ở Thị trấn Lăng Cô V = 0,44;
+ Vùng tổn thương trung bình ở xã Lộc Vĩnh V = 0,33;
+ Vùng tổn thương thấp ở xã Lộc Thủy V = 0,29 và xã Lộc Tiến V = 0,25.
+ Vùng tổn thương rất thấp ở khu vực biển vùng nghiên cứu V<0.2
- Mức độ tổn thương ngành công nghiệp- dịch vụ
+ Vùng tổn thương trung bình ở xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô với chỉ số dễ bị tổn thương V = 0,37 và V = 0,31;
+ Vùng tổn thương thấp ở xã Lộc Tiến với chỉ số dễ bị tổn thương V = 0,28 và
+ Vùng tổn thương rất thấp ở xã Lộc Thủy và vùng biển vùng nghiên cứu với chỉ số dễ bị tổn thương V = 0,16.
- Mức độ tổn thương ngành nông nghiệp thủy sản
+ Tổn thương cao (V > 0,40) xảy ra tại thị trấn Lăng Cô với chỉ số tổn thương V = 0,42;
+ Tổn thương trung bình (0,30 < V ≤ 0,40) xảy ra tại xã Lộc Vĩnh với chỉ số tổn thương V = 0,39;
+ Tổn thương thấp (0,20 < V ≤ 0,30) ở xã Lộc Tiến với chỉ số tổn thương V = 0,21 và xã Lộc Thủy với chỉ số tổn thương V = 0,23
+ Tổn thương rất thấp tại vùng biển khu vực nghiên cứu
- Mức độ tổn thương ngành du lịch
+ Vùng tổn thương cao là ở thị trấn Lăng Cô (V = 0,46). Đây là 2 khu vực trong vùng nghiên cứu có giáp biển của vùng nghiên cứu, nơi tập trung nhiều các hoạt động tham quan du lịch và nghỉ dưỡng và vùng ven biển cũng là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước biển dâng.
+ Vùng tổn trung bình là xã Lộc Vĩnh (V = 0,37)
- Vùng có mức độ tổn thương thấp là xã Lộc Thủy (V = 0,13) và xã Lộc Tiến (V = 0,14). Đây là 2 xã không có diện tích đất giáp biển
- Vùng tổn thương rất thấp là vùng biển vùng nghiên cứu với V< 0,1
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19987/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.