Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-07-2024

Nghiên cứu mới về thành phần hóa học và hoạt tính chống ung thư của cây thuốc tiềm năng Garcinia cowa (Tai chua) và Garcinia fagraeoides (Trai lý)

Cây Trai lý (Garcinia fagraeoides A Chaev) là loài cây gỗ bản địa Việt Nam, phân bố chủ yếu tại vùng rừng núi phía Bắc và Trung Bộ như các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hòa Bình, Hà Bắc, Ninh Bình và Nghệ An. Các loài cây thuộc chi Garcinia thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới với một số lượng lớn các công trình nghiên cứu về thành phần hóa học và các tác dụng dược lý. Các lớp chất điển hình có trong các cây Garcinia bao gồm xanthone, phloroglucinol và flavonoid với các hoạt tính sinh học như chống ung thư, chống tiểu đường, chống oxi hóa, kháng khuẩn, kháng virus, kháng sốt rét v.v. Vỏ cây được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị sốt rét và tiêu viêm. Hiện trên thế giới và ở Việt Nam chưa có công trình khoa học nào công bố về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài cây này.

Cây Tai chua (Garcinia cowa Roxb. ex Choisy) là loại cây ăn quả nhiệt đới, mọc hoang ven rừng tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây mọc trong rừng núi vùng Trung du các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung. Đây là một cây thuốc cổ truyền được sử dụng rộng rãi tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để chữa sốt, ho, khó tiêu, nhuận tràng và bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Hơn 80 hợp chất xanthone đã được phân lập từ loài cây này với phổ hoạt tính sinh học phong phú và có nhiều chất được đánh giá có khả năng chống ung thư và chống sốt rét tiềm năng. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của cây Tai chua, tuy nhiên chưa có nghiên cứu tại Việt Nam về loài cây này. 

Nhận thấy, cây Tai chua và Trai lý có thành phần hoá học và hoạt tính sinh học tiềm năng và cần có thêm những nghiên cứu về chúng tại Việt Nam, PGS.TS. Trần Thị Thu Thủy và cộng sự tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính chống ung thư của hai loài Garcinia cowa (Tai chua) và Garcinia fagraeoides (Trai lý)”

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, các nhà nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 25 hợp chất (21 xanthone) từ mẫu cây Tai chua (G. cowa), trong đó, có 9 hợp chất xanthone mới và 14 hợp chất từ mẫu cây Trai lý (G. fagraeoides). Đồng thời, hoạt tính gây độc tế bào của 18 cặn chiết và 24 hợp chất đã được đánh giá trên 4 dòng tế bào ung thư ở người là ung thư gan (Hep-G2), ung thư phổi (LU-1), ung thư đại tràng (HT-29) và ung thư cổ tử cung (HeLa).

 Các hợp chất có hoạt tính mạnh với IC50 < 5µM trên 1-3 dòng tế bào là GC5, GC8, GC9, GC10, GC15, GF6, GF7 và hỗn hợp GF9+GF10. Ngoài ra, 3 hợp chất mới là GC11, GC16 và GC17 đã được đánh giá hoạt tính gây độc và ức chế tăng sinh trên 3 dòng tế bào ung thư là ung thư buồng trứng (A2780), ung thư buồng trứng kháng cis-platin (A2780cis) và ung thư đại tràng (HCT116). 

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được hoạt tính bảo vệ thần kinh trên dòng tế bào HT-22 của 18 hợp chất từ cây G. cowa. Có 4 hợp chất đã thể hiện hoạt tính bảo vệ thần kinh, đặc biệt hợp chất mới garcicowanone F (GC11) thể hiện hoạt tính mạnh nhất và không gây độc đối với tế bào ở nồng độ thử nghiệm. Cũng trong nghiên cứu này, họ cũng đã đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của 9 hợp chất từ cây G. cowa. Trong đó, 4 hợp chất đã thể hiện hoạt tính mạnh hơn acarbose, đặc biệt là 2 hợp chất norcowanin (GC8) và cowanol (GC9) với IC50 tương ứng là 33.5 và 17.2 µM. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên 2 bài báo SCI/SCIE, 1 bài báo trên tạp chí Khoa học và Công nghệ và đề tài được Viện Hàn lâm xếp loại xuất sắc.

Các kết quả thu được cho thấy, hoạt tính chống ung thư tiềm năng của các xanthone từ cây G. cowa và G. fagraeoides thể hiện ở hoạt tính gây độc tế bào trên nhiều dòng tế bào ung thư đặc biệt là trên dòng tế bào ung thư kháng thuốc cis-platin. Ngoài ra, một số xanthone còn thể hiện khả năng bảo vệ thần kinh và ức chế enzyme α-glucosidase.

Các nhà khoa học mong muốn tiếp tục nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm giàu xanthone từ nhựa và vỏ cây Tai chua (G. cowa) nhằm hỗ trợ điều trị ung thư cũng như phát triển nghiên cứu cơ chế chống ung thư của một số hoạt chất từ cây Tai chua và đề xuất phương pháp bán tổng hợp các chất có hoạt tính tốt. Đối với cây Trai lý (G. fagraeoides), tiến hành phân lập các chất có hàm lượng thấp và nghiên cứu hoạt tính sinh học của chúng trong tương lai.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1267
Tổng lượt truy cập: 3.493.264
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!