Hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ
Năm 2012, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật (Chi nhánh DMC-RT) - Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (CTCP) được Bộ Công Thương giao chủ trì thực hiện đề tài NCKH cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng nhằm ngăn ngừa hiện tượng lắng đọng muối vô cơ trong cần khai thác”. Kết quả thực hiện đề tài đã đưa ra được tổ hợp hệ hóa phẩm và chế độ công nghệ cho phép xử lý vùng cận đáy giếng nhằm ngăn ngừa hiện tượng lắng đọng muối vô cơ trong cần khai thác. Đây là cơ sở để tiếp tục đề xuất triển khai đề tài ở dạng sản xuất thử nghiệm nhằm sản xuất thử hệ hóa phẩm, hoàn thiện công nghệ sản xuất cũng như công nghệ sử dụng trong quá trình áp dụng tại mỏ, từ đó đánh giá khả năng phát triển, thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm vào áp dụng trong thực tế ngành khai thác dầu khí tại Việt Nam.
Mặc dù kết quả thực hiện đề tài đã đưa ra được hệ hóa phẩm nhằm ức chế lắng đọng muối vô cơ và chế độ công nghệ sử dụng, tuy nhiên do các sản phẩm này được chế tạo trong phòng thí nghiệm với quy mô nhỏ và trong đó có một số thành phần đi từ nguồn hóa chất tinh khiết nhưng khi tiến hành sản xuất ở quy mô pilot và tiếp theo là sản xuất ở quy mô công nghiệp sẽ chưa đảm bảo được tính ổn định của chất lượng sản phẩm. Ngoài ra hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối trong đề tài xuất xứ chủ yếu theo cơ chế kết tủa-hòa tan kết tủa, tức là chất ức chế lắng đọng muối ban đầu sẽ được điều chỉnh để kết tủa tại vùng cận đáy giếng, sau đó trong quá trình khai thác khi có nước vỉa, kết tủa sẽ bị hòa tan dần dần làm giải phóng chất ức chế để đi vào dòng khai thác.
Do đó, để tăng cường hiệu quả ức chế, mở rộng phạm vi sử dụng cần sử dụng thêm các cơ chế ức chế khác như hấp phụ - giải hấp phụ chất ức chế; nghiên cứu, tối ưu hóa thành phần của hệ hóa phẩm, sử dụng thêm các nhóm hóa phẩm ức chế sa lắng muối khác; đánh giá khả năng thương mại hóa của sản phẩm; đánh giá tổng thể tính năng, hiệu quả kinh tế- kỹ thuật của hệ hóa phẩm, ThS. Đỗ Thành Trung cùng các cộng sự tại Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật (Chi nhánh DMC-RT) - Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (CTCP) đã thực hiện dự án thử nghiệm: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ”.
Các nội dung nghiên cứu bao gồm:
1. Nghiên cứu tổng quan về các chất ức chế sa lắng muối và công nghệ sử dụng trong ngành khai thác dầu khí;
2. Kết quả nghiên cứu hoàn thiện thành phần hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ;
3. Kết quả nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ.
Chất ức chế lắng đọng muối là chất có khả năng ức chế quá trình hình thành tích tụ, lắng đọng muối vô cơ từ thay đổi ngưỡng bão hòa muối trong một hệ dung dịch nhất định, tới quá trình tạo mầm kết tinh, quá trình phát triển lớn lên của tinh thể, quá trình tích tụ để tạo lắng đọng. Chất ức chế lắng đọng muối rất đa dạng và phong phú và một chất có thể tác động tới nhiều quá trình trong chuỗi quá trình dẫn tới hình thành lắng đọng. Chất ức chế lắng đọng muối có thể được phân biệt theo hai dấu hiệu chính: là cơ chế hoạt động và bản chất hóa học
- Đã nghiên cứu hoàn thiện được hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ và sản xuất được 5000 lít Hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ SI1806P đạt các yêu cầu đã đăng ký trong thuyết minh của Dự án, cụ thể:
+ Hiệu quả ức chế hình thành lắng đọng muối > 80%;
+ Tốc độ ăn mòn mẫu thép P110 ở điều kiện vỉa (1200C, 100 atm) của dung dịch chất ức chế lắng đọng muối trong nước vỉa ≤ 0,1 mm/năm;
- Đã nghiên cứu hoàn thiện được thêm 02 Hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ áp dụng cho điều kiện nhiệt độ sử dụng 1200C. Hiệu quả ức chế hình thành lắng đọng muối đạt > 50%.
- Các Hệ hóa phẩm ức chế ăn mòn của Dự án đã được Vietsovpetro đánh giá thẩm định và đồng ý đưa vào thử nghiệm công nghiệp trong hệ thống để ngăn ngừa hiện tượng lắng đọng muối trên thiết bị bề mặt và trong điều kiện của giếng khoan;
- Đã hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất hệ hoá phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ. Dây chuyền bao gồm hệ thống đồng bộ, đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất với công xuất sản phẩm từ 2.500.000 lít/năm đến 3.750.000 lít/năm.
- Đã xây dựng Quy trình sản xuất hệ hóa phẩm, Quy trình công nghệ sử dụng hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ trong cần ống khai thác và thiết bị bề mặt và Quy trình công nghệ sử dụng hệ hóa phẩm ức chế lắng đọng muối vô cơ bằng cách ép chất ức chế vào vỉa.
Nhóm thực hiện dự án mong muốn được tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo nhằm đưa kết quả của dự án vào áp dụng rộng rãi trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dầu, đặc biệt trong bối cảnh các mỏ khai thác dầu tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn khai thác cuối.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20032 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.