Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-08-2024

Nghiên cứu chọn tạo giống nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị hàng hóa cao

Hiện nay, nấm được coi như một loại thực phẩm chức năng và là một nguồn dược liệu quý đối với y học bởi các hoạt tính chống oxy hóa, chống ung thư và kháng khuẩn có trong chúng. Các loại nấm ăn (rơm, sò, mỡ, mộc nhĩ, đùi gà) có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng protein chỉ đứng sau thịt, cá. Protein có trong nấm ăn chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu đối với cơ thể người. Ngoài hàm lượng protein, nấm còn chứa các chất dinh dưỡng khác như phốt pho, sắt và các vitamin như (thiamine, riboflavin). Bên cạnh giá trị về mặt dinh dưỡng, nấm còn được báo cáo là thực phẩm trị liệu hữu ích trong việc ngăn ngừa các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol trong máu. Do sự hiện diện của các hợp chất hoạt tính sinh học có giá trị lớn trong y học như terpenoids, polyphenol, sesquiterpen, alkaloids, lactones, sterol, glycoprotein và polysaccarit mà nấm dược liệu (Linh chi) được sử dụng như chất chống ung thư, thuốc kháng vi-rút, thuốc bảo vệ gan, thuốc tăng cường miễn dịch và thuốc hạ đường huyết. Tuy nhiên, việc trồng nấm hiện nay vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro. Các giống nấm sử dụng trong nuôi trồng hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề thoái hóa giống nghiêm trọng, năng suất của các giống nấm sẽ bị giảm đi rất nhiều chỉ sau từ 8-12 vụ nuôi trồng (tức là từ 3-5 năm) tùy từng loại nấm (Wang et al, 2018). Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, các nước sản xuất nấm đặc biệt là các nước tiên tiến rất quan tâm chú ý tới công tác nghiên cứu chọn tạo ra nhiều các giống nấm mới có năng suất cao, ổn định, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế lớn để đưa vào sản xuất (Kumar. K, 2020).

 

Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các chủng giống nấm đang được nuôi trồng là nhập nội theo nhiều con đường khác nhau. Một số ít được tuyển chọn, thuần hoá ngoài tự nhiên theo kinh nghiệm, chưa có những nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống, khoa học và bài bản nên dẫn tới hậu quả các cơ sở sản xuất nấm mua giống về nhưng không biết cách bảo quản phù hợp, không biết đặc tính sinh học và điều kiện sinh thái cho từng loại giống do đó năng suất nấm thường thấp, chất lượng không ổn định, đặc biệt giống nhanh bị thoái hoá. Số lượng các chủng giống nấm còn ít, chưa có các chủng giống có chất lượng cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu nấm thương phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Để tạo bước đột phá nhằm gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng nấm ăn và nấm dược liệu của Việt Nam hiện nay, công tác nghiên cứu chọn tạo các giống nấm mới đã được ưu tiên thực hiện. Việc đầu tư nghiên cứu và phát triển các giống nấm ăn và nấm dược liệu mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành nấm hiện nay. GS.TS. Phạm Xuân Hội cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị hàng hóa cao” với mục tiêu: Tuyển chọn và tạo được từ 1 đến 2 giống nấm mới cho mỗi loại nấm (Rơm, Sò, Mộc nhĩ, Mỡ, Linh chi, Đùi Gà) năng suất nấm cao hơn giống đang trong sản xuất từ 15 - 20%, chất lượng ngon, giòn có vị thơm; Xây dựng quy trình công nghệ nhân giống các cấp và công nghệ nuôi trồng đối với các giống nấm mới tuyển chọn đạt hiệu quả và năng suất cao, chất lượng tốt; Xây dựng mô hình sản xuất giống các giống nấm mới quy mô công nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ chọn tạo và nhân giống nấm.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã công bố lưu hành 12 giống nấm thuộc 06 loại nấm (nấm rơm, Sò, Mộc nhĩ, Linh chi, mỡ và đùi gà), trong đó:  02 giống nấm rơm kí hiệu là V02 và V03 (trong nghiên cứu, khảo nghiệm được mã hóa là VCG6 và VCG7): có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, cho năng suất trung bình đạt 160,9 – 167,1 kg nấm tươi/tấn NL, cao hơn 19,4-24% so với giống hiện có; thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau, trong đó giống nấm VCG6 phù hợp nuôi trồng ở cả Miền Bắc và Miền Nam; còn giống VCG7 phù hợp hơn khi nuôi trồng tại các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long.

Đã xây dựng được 12 mô hình sản xuất giống cho 12 giống nấm mới thuộc 06 loại nấm tại các cơ sở sản xuất trên cả nước đều cho chất lượng giống tốt, đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất nấm thương phẩm, cho hiệu quả cao với quy mô > 20 tấn giống/mô hình/năm.

Đã xây dựng thành công 18 quy trình công nghệ nhân giống nấm cấp I, cấp II và cấp III (giống nấm thương phẩm) cho 06 loại nấm (Rơm, Sò, Mỡ, Mộc nhĩ, Linh chi, Đùi gà) mới tuyển chọn, phù hợp với điều kiện sản xuất giống tại Việt Nam, giống sinh trưởng khỏe, chất lượng giống tốt, tỷ lệ nhiễm < 5 %. Được công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp cơ sở.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20006/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 1203
Tổng lượt truy cập: 3.493.200
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!