Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 06-08-2024

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu gạo bền vững sang thị trường Trung Quốc

Sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đã có những bước phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cưc trong thời gian qua, đặc biệt năm 2017, xuất khẩu gạo đã tăng cả về lượng xuất khẩu và giá xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc nhiều năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, năm 2016 chiếm 36,1% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, năm 2017 chiếm tới 39,5% lượng gạo xuất khẩu tuy nhiên, năm 2018 chỉ đạt 21,8%.

 

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam tuy nhiên xuất khẩu gạo sang thị trường này còn nhiều vấn đề liên quan đến tính bền vững của thị trường, đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước, mà trước tiên là Bộ Công Thương cần tính toán, có kế hoạch định hướng lâu dài.

- Thứ nhất, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc luôn biến động, không ổn định. Nếu giai đoạn 2016 - 2017, xuất khẩu gạo Việt Nam chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước (trên 2 triệu tấn/năm), thì đến năm 2018, xuất khẩu sụt giảm, chỉ chiếm khoảng 21,8%. Do vậy, cần nghiên cứu đặc điểm thị trường, nhu cầu nhập khẩu để định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, góp phần duy trì thị phần tại thị trường Trung Quốc.

- Thứ hai, theo thống kê của phía Trung Quốc, gạo Việt Nam đã chiếm khoảng 50% lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ tất cả các nước. Xếp thứ hai là Thái Lan với 32,4% và thứ ba là Pakistan với 11%. Bản thân Trung Quốc cũng muốn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, họ thực hiện các chính sách đầu tư ra nước ngoài cũng như thường xuyên điều chỉnh các quy định liên quan đến việc nhập khẩu. Do vậy, Việt Nam đứng trước lựa chọn hướng tới chiến lược duy trì thị phần và phát triển bền vững thay vì tiếp tục thúc đẩy lượng xuất khẩu.

- Thứ ba, hệ thống các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng gạo của Trung Quốc khá đa dạng, phức tạp với các quy định về hạn ngạch và xin cấp hạn ngạch nhập khẩu (tổng lượng hạn ngạch cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu gạo là 5,32 triệu tấn, trong đó gạo hạt dài 2,66 triệu tấn và gạo hạt tròn 2,66 triệu tấn; lượng hạn ngạch cấp cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là 50:50). Ngoài ra, có các quy định về thuế nhập khẩu, quy cách, tiêu chuẩn gạo, quy định về kiểm dịch, khử trùng và an toàn thực phẩm. Các chính sách này cũng có sự khác biệt giữa các địa phương khác nhau của Trung Quốc và liên tục được điều chỉnh. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, Trung Quốc chính thức áp dụng “Biện pháp Giám sát quản lý kiểm nghiệm kiểm dịch lương thực xuất nhập khẩu" (theo lệnh số 177/2016/AQSIQ), gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

- Thứ tư, công tác nghiên cứu, phát triển thị trường Trung Quốc để định hướng sản xuất thời gian qua chưa phát huy hiệu quả rõ rệt. Hiện chưa có một nghiên cứu thống kê tổng thể nhu cầu về chủng loại, lượng tiêu thụ đối với từng khu vực, tỉnh, thành phố nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc, những điểm đáng chú ý riêng về tiêu dùng như bao bì, mẫu mã cũng như quy định của Trung Quốc liên quan đến nhập khẩu gạo Trung Quốc.

- Thứ năm, từ năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các nước nhất là các nước châu Phi và sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam, Thái Lan trong thời gian tới, đồng thời, cơ cấu chủng loại gạo nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng có sự thay đổi, hướng tới nhập khẩu chủng loại gạo cao cấp, gạo chất lượng cao thay thế cho chủng loại gạo cấp thấp như trước đây. Với những sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và chính sách xuất nhập khẩu gạo của Trung Quốc cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và có ý thức cao nhằm mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường này.

- Thứ sáu, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia đã có những kế hoạch, chiến lược riêng dành cho thị trường đặc biệt quan trọng là Trung Quốc. Do vậy, để tránh mất thị phần, duy trì bền vững, rất cần có nghiên cứu cụ thể, định hướng dài hạn về thị trường Trung Quốc.

Vì những lý do trên, ThS. Trần Quốc Toản cùng các cộng sự tại Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu gạo bền vững sang thị trường Trung Quốc”.

Sau một thời gian thực hiện (từ 1/2020 - 06/2021), Đề tài đã đạt được một số kết quả sau:

- Nêu lên một số vấn đề chung và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển thương mại, phát triển thương mại gạo với Trung Quốc; Đánh giá thực trạng thương mại gạo Việt Nam - Trung Quốc;

- Phân tích, đánh giá thực trạng chính sách và giải pháp phát triển thương mại gạo Việt Nam - Trung Quốc; Đề tài đã trình bày một số quan điểm, định hướng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng như đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Các kết quả thu được sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc hoạch định chính sách và giải pháp phát triển bền vững xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, do những hạn chế khách quan và chủ quan, nội dung nghiên cứu của đề tài sẽ không tránh khỏi những thiếu sót do vậy rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, đồng nghiệp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20037/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 1045
Tổng lượt truy cập: 3.493.042
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!