Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 22-08-2024

Nghiên cứu bào chế cream, miếng dán giảm đau tại chỗ chứa capsaicinoid từ Ớt (Capsicum spp.)

Ở Việt Nam, cây Ớt là một cây có giá trị kinh tế cao, đến nay có khoảng hơn 2.000 ha diện tích trồng Ớt, tập trung ở một số tỉnh như sau: tỉnh Thái Bình, Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng (Đà Lạt), Quảng Ngãi, Quảng Bình (Bố Trạch), Quảng Trị (huyện Hải Lăng), Hà Nội (Chương Mỹ), Nghệ An (Nam Đàn), ngoài ra còn có một số tỉnh khác như Đắk Nông. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Ớt không phải là dược liệu có chuyên luận riêng như trong các Dược điển Anh, (BP), Dược điển Mỹ (USP), Dược điển châu Âu (EP), Dược điển Trung Quốc. Tất cả các nước này, trong Dược điển đều có các chuyên luận liên quan đến Ớt, gồm: Nguyên liệu quả Ớt (Capsici fructus); Nhựa dầu tinh chế và định chuẩn Ớt (refined and standardized Capsicum Oleoresin); Cao mềm định chuẩn Ớt (standardised capsicum soft extract; EP8.0); Cồn định chuẩn Ớt (standardised capsicum tincture; EP8.0; 2337). Riêng Dược điển Anh có thêm chế phẩm capsaicin tinh khiết như một chuyên luận nguyên liệu làm thuốc hóa dược. Bên cạnh đó, các chế phẩm dạng kem, miếng dán chứa capsaicinoid toàn phần được chiết xuất từ quả Ớt được sử dụng là thuốc giảm đau trong các trường hợp giảm đau thần kinh ngoại vi, đặc biệt trong trường hợp đau do Herpas Zoster, đau do đái tháo đường (chưa bị tổn thương tay hay chân).

 

Chính vì vậy, nhằm xây dựng được quy trình bào chế cao định chuẩn từ Ớt có tiêu chuẩn chất lượng tương đương với Dược điển Anh 2018; quy trình bào chế cream và miếng dán có tác dụng giảm đau tại chỗ chứa cao Ớt định chuẩn, chất lượng tương đương sản phẩm đối chiếul; và đánh giá được tính kích ứng da và tác dụng giảm đau tại chỗ của chế phẩm trên thực nghiệm từ nguồn nguyên liệu Ớt khá phong phú ở Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Thanh Bình cùng các cộng sự tại Trường Đại học Dược Hà Nội (Bộ Y tế) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bào chế cream, miếng dán giảm đau tại chỗ chứa capsaicinoid từ Ớt (Capsicum spp.)”.

Sau hơn 30 tháng thực hiện, đề tài đã thu được những kết quả chính như sau:

- Đã khảo sát hàm lượng capsaicinoid từ các mẫu Ớt (0,04 - 0,80% capsaicinoid toàn phần tính theo capsaicin) trồng ở Việt Nam để xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất Cao mềm định chuẩn Ớt đạt tiêu chuẩn Dược điển Anh (châu ÂU).

- Từ nguyên liệu Ớt đã lựa chọn được, đề tài tiến hành khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình chiết xuất và hàm lượng capsaicinoid, đồng thời tối ưu hóa quy trình chiết xuất, xác định được mối quan hệ của hàm lượng capsaicinoid toàn phần với các biến thực nghiệm như sau:

Y = 64,449 + 1,441. Thời gian + 0,136. Tỉ lệ + 1,670. Nồng độ ethanol - 0,302. Thời gian2 + 0,010. Nồng độ ethanol2

Trong đó, thông số chiết xuất tối ưu là: Thời gian chiết: 2,345 giờ; Tỉ lệ dung môi: dược liệu: 8,61 :1. Nồng độ ethanol: 95%.

- Dựa trên các thông số tối ưu cho quy trình chiết xuất cao mềm định chuẩn Ớt, đề tài đã chiết xuất thử nghiệm 3 mẻ ở quy mô phòng thí nghiệm (1 kg/ mẻ), sau đó tiến hành ở quy mô sản xuất công nghiệp ở quy mô 70 kg nguyên liệu/ mẻ.

- Cao mềm định chuẩn Ớt chiết xuất và bào chế được từ nguyên liệu Ớt của Việt Nam đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu độ ổn định ở 2 điều kiện lão hóa cấp tốc và điều kiện dài hạn, Sau 6 tháng theo dõi, các chỉ tiêu định tính và định lượng đạt chất lượng như yêu cầu của Dược điển Anh.

 - Từ cao mềm định chuẩn Ớt, đã xây dựng 2 công thức bào chế kem và miếng dán từ cao mềm định chuẩn Ớt có hàm lượng capsaicin 0,075 và 0,025%.

- Đã khảo sát xây dựng công thức bào chế với chế phẩm kem capsaicin 0,075% bằng khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dạng bào 55 chế kem, kết hợp với phần mềm MODDE 8.0 tối ưu hóa công thức và lựa chọn công thức có giá trị log(D) nhỏ nhất là công thức gồm các thành phần như sau: IPM 2%, pha dầu 35%, chất diện hoạt 3% là công thức tối ưu.

- Dựa trên công thức bào chế kem capcaisin xây dựng được, đề tài đã tiến hành sản xuất thử nghiệm ở quy mô 1000 đơn vị/ 1 lô. Chế phẩm được kiểm nghiệm và đánh giá độ ổn định ở 2 điều kiện lão hóa cấp tốc và điều kiện dài hạn, Sau 6 tháng theo dõi, các chỉ tiêu hình thức, độ đồng đều khối lượng, định tính và định lượng vẫn đạt chất lượng như yêu cầu của tiêu chuẩn đề ra.

- Đối với chế phẩm miếng dán capsaicin 0,025%: Thực tế ban đầu đề tài đã thử nghiệm bào chế miếng dán 2 lớp chứa cao mềm định chuẩn Ớt. Tuy nhiên dạng bào chế này không phù hợp với dược chất capsaicin, là một chất có tính kích ứng niêm mạc mạnh. Do vậy, đề tài đã thiết kế miếng dán capsaicin 1 lớp với tá dược dính chính là hydrogel.

- Xây dựng công thức miếng dán capsaicin dựa trên khảo sát các yếu tố ảnh hưởng như tá dược tăng tính thấm, hóa dẻo, chất kết dính, đồng thời tối ưu hóa thành phần công thức với các biến số liên quan đến khả năng giải phóng dược chất. Kết quả thành phần công thức tối ưu của miếng dán gồm: chất tăng thấm được lựa chọn là NMP, tỉ lệ Viscomate và glycerin lần lượt là 6% và 40%. Trong quá trình đánh giá chất lượng miếng dán này cũng như tác dụng giảm đau, đề tài  so sánh với chế phẩm wellpatch đối chiếu.

- Với chế phẩm miếng dán, đề tài thực hiện ở 2 quy mô phòng thí nghiệm và công nghiệp. Với miếng dán ở quy mô phòng thí nghiệm đề tài đã đánh giá độ ổn định ở 2 điều kiện lão hóa cấp tốc và điều kiện dài hạn, Sau 6 tháng theo dõi, các chỉ tiêu hình thức, độ đồng đều khối lượng, độ dính, định tính và định lượng vẫn đạt chất lượng như yêu cầu của tiêu chuẩn đề ra.

- Với chế phẩm miếng dán sản xuất ở quy mô công nghiệp thì chưa đủ thời gian để đánh giá, hiện nay đề tài vẫn đang theo dõi.

- Cả 2 dạng bào chế kem và miếng dán capsaicin đều được đánh giá tính kích ứng da, và tác dụng giảm đau thực nghiệm. Cả 2 chế phẩm đều không có tính kích ứng trên da, có tác dụng giảm đau tại chỗ mạnh hơn sản phẩm đối chiếu trên 2 mô hình gây viêm trên chuột.

Đề tài mong muốn chuyển giao kết quả nghiên cứu, các quy trình chiết xuất cao mềm định chuẩn Ớt cũng như 2 quy trình sản xuất kem và miếng dán capsaicin cho doanh nghiệp Dược.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20076/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 37
Hôm nay: 788
Tổng lượt truy cập: 3.492.785
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!