Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-08-2024

Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan Hài vân bắc, lan Hài lông và lan Thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ

Rừng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của trái đất nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Ngoài chức năng cung cấp những lâm sản phục vụ nhu cầu của con người, rừng còn có chức năng bảo vệ môi trường và rừng là nơi lưu giữ các nguồn gen động thực vật, phục vụ cho cho các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Rừng có được những chức năng đó là nhờ có đa dạng sinh học (ĐDSH). ĐDSH là một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất, vì nó là cơ sở của sự sống còn, thịnh vượng và tiến hoá bền vững của các loài sinh vật trên hành tinh chúng ta. Nhưng hiện nay dân số thế giới tăng, nhu cầu về lâm sản tăng dẫn đến khai thác rừng quá mức và không khoa học làm cho diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng kéo theo suy giảm ĐDSH. Chính vì vậy loài người đã, đang và sẽ phải đứng trước một thử thách, đó là sự suy giảm về ĐDSH dẫn đến làm mất trạng thái cân bằng của môi trường kéo theo là những thảm họa như lũ lụt, hạn hán, lở đất, gió bão, cháy rừng, ô nhiễm môi trường sống, các căn bệnh hiểm nghèo…xuất hiện ngày càng nhiều. Tất cả các thảm họa đó là hậu quả, một cách trực tiếp hay gián tiếp của việc suy giảm ĐDSH.

 

Trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật, việc đánh giá quỹ gen là công đoạn vô cùng quan trọng không chỉ phục vụ cho việc xác định các giống/loài khác nhau mà còn nhằm tìm hiểu mối quan hệ về di truyền giữa các giống/loài để bảo tồn đa dạng nguồn gen. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương pháp và kỹ thuật trong lĩnh vực sinh học phân tử đã tạo ra các công cụ hữu hiệu và nhanh chóng được ứng dụng trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học. Ưu thế của các kỹ thuật phân tử là có khả năng xác định được sự đa dạng ở mức độ gen, tạo cơ sở để đánh giá về giá trị bảo tồn của loài và quần thể.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Phạm Anh Tám cùng nhóm nghiên cứu tại Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thực hiện “Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan Hài vân bắc (Paphiopedilum callosum (Rchb.f.) Pfitzer), lan Hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum (Lindl.ex Hook.) Stein.) và lan Thủy tiên hường (Dendrobium amabile O’Brien.) cho vùng Bắc Trung bộ” với mục tiêu bảo tồn, khai thác và phát triển một cách có hiệu quả nguồn gen lan Hài vân bắc, lan Hài lông và lan Thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung Bộ.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Đã đánh giá được hiện trạng quần thể và xây dựng bản đồ phân bố của các loài lan Hài lông, lan Hài vân bắc và lan Thủy tiên hường. Độ cao phân bố đối với loài lan Hài lông và lan Hài vân bắc khá hẹp chỉ ghi nhận ở đại cao từ 800-2250 m trên các bờ vách đá hiểm trở và trên các thân cây gỗ trong rừng tự nhiên. Thủy tiên hường có đai cao phân bố rộng từ 550 – 1.350m ghi nhận phân bố sống phụ sinh trên các cành cây tại rừng.

- Lan Hài vân bắc phát triển từng cá thể và riêng biệt không mọc theo bụi, mọc trên lớp thảm mục dày từ 15-20cm, trên các khe, điểm trũng của vách đá khá thoáng mát, được che bóng bởi các cây gỗ trong rừng tự nhiên. Lan Hài lông phát triển từng thành từng bụi bụi, trong rừng tự nhiên loài này sống trên chất mùn dưới gốc cây hoặc trên đá có phủ rêu. Lan Thủy tiên hường thường phát triển theo bụi, cá thể con sinh trưởng và phát tiển trên cùng một bụi.

- Kết quả phân tích ADN so sánh trình tự ITS của những cá thể lan này đã chỉ ra rằng nhóm 1 chính xác là hài lông tên khoa học là: Paphiopedilum hirsutissimum (20, 33, 48, 1, 8); 6 cá thể nhóm 2 là hài vân Bắc: Paphiopedilum callosum (356, 341, 15, 319, 253, 173); và 10 cá thể nhóm 3 là thủy tiên hường với tên khoa học là Dendrobium amabile (38, 01-219, 28, 39, 01-207, 01-215, 01-217, 01-209, 01-205, 01- 214). Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp chính xác, rõ ràng nguồn gốc, tến loài các giống lan tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên phục vụ công tác phân loại và bảo tồn cũng như nhân giống, khai thác nguồn gen các loài Lan một cách hiệu quả.

- Đã xây dựng thành công quy trình nhân giống in vitro lan Hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum (Lindl.ex Hook.) Stein.). Trong quá trình nhân nhanh, bổ sung kết hợp các chất điều tiết sinh trưởng có hiệu quả cải thiện hệ số nhân nhanh của cây lan Hài lông hơn là bổ sung riêng lẻ từng chất. Môi trường thích hợp nhất để nhân nhanh chồi cây lan Hài lông là môi trường nền KC bổ sung 0,5 mg/l BAP, 10% nước dừa cho hệ số nhân chồi đạt 5,61, cao nhất so với đối chứng; bổ sung kinetin với nồng độ 0,5 mg/l có tác dụng rõ rệt đến khả năng kéo dài chồi.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20011/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 32
Hôm nay: 386
Tổng lượt truy cập: 3.492.383
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!