Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 04-10-2024

Nghiên cứu chọn tạo giống lúa có giá trị hàng hóa cao cho các vùng trồng lúa chính trong toàn quốc

Việt Nam là một nước nông nghiệp trên 75% dân số sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và hơn 90% người Việt Nam sử dụng lúa gạo làm lương thực chính. Là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, Việt Nam đã và đang tập trung nghiên cứu phát triển về sản xuất giống cây trồng để chủ động được về sản xuất. Tuy vậy chất lượng của giống cây trồng chưa cao, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương do nhiều yếu tố như khí hậu, đất đai, điều kiện canh tác, cụ thể:

Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích canh tác các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, các giống lúa thơm, đã phần nào đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm lúa gạo nhưng các giống đang dần thoái hóa và nhiễm một số sâu bệnh hại chính. Do đó, sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng cần bộ giống có chất lượng cao, kháng với một số loại sâu bệnh hại chính để dần thay thế bộ giống chất lượng đang hiện hữu trong sản xuất là việc hết sức cần thiết.

Vùng Duyên hải Nam trung bộ diện tích sản xuất lúa nước hàng năm khoảng gần 510,5 nghìn ha, sản lượng lúa từ 2,9-3,0 triệu tấn trong khi dân số đến 9,3 triệu người chiếm gần 10% dân số cả nước. Tuy nhiên, với vụ Hè Thu những năm gần đây có đến 40.000 ha bị ảnh hưởng của khô hạn. Mặt khác, thực trạng bộ giống lúa chủ lực của vùng hiện nay là các giống năng suất cao như ĐV108, KDĐB, Q5, ĐB6… nhiễm nặng rầy nâu và đạo ôn, làm tăng chi phí đầu vào nhưng có chất lượng gạo ở mức trung bình nên giá trị hàng hóa thấp, do đó công tác chọn tạo giống lúa mới cho vùng phải theo định hướng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt và kháng vừa với các loại sâu bệnh hại chính.

Vùng sản xuất lúa đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, bất cập, tình hình nuôi tôm tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, đất nhiễm mặn ngày càng ảnh hưởng nặng. Thực tế cho thấy năng suất các giống lúa sản xuất tại vùng chưa cao, phẩm chất và tính chống chịu sâu bệnh, chống chịu phèn mặn của chúng giảm sút. Mặt khác, việc tập trung thâm canh vào một số giống lúa sẽ dẫn đến sự suy giảm tính thích nghi của giống, thay đổi phẩm chất và giảm giá trị hàng hóa. Do vậy, việc phát triển các giống lúa mới được tích hợp các tính trạng tốt như năng suất cao, phẩm chất tốt và bổ sung tính kháng đa gen vào giống lúa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ quan trọng của các nhà chọn giống.

Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS.TS. Trịnh Khắc Quang cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa có giá trị hàng hóa cao cho các vùng trồng lúa chính trong toàn quốc” với mục tiêu: chọn tạo và phát triển một số giống lúa phục vụ nội tiêu và xuất khẩu: giống lúa chất lượng cao năng suất cao, đạt giá trị xuất khẩu gạo và giá trị thương mại trên 600 USD/tấn; giống lúa thơm, chất lượng cao đạt giá trị xuất khẩu gạo trên 800 USD/tấn. Các giống lúa chịu được sâu bệnh hại chính (rầy nâu, đạo ôn, bạc lá), chống đổ, thích ứng cho các vùng trồng lúa chính trên toàn quốc, được công nhận, bảo hộ và là giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm, được đưa vào các dự án đầu tư phát triển sản phẩm lúa gạo Việt nam năng suất cao, chất lượng cao.

Đề tài đã triển khai đầy đủ các nội dung nghiên cứu, bảo đảm tiến độ thực hiện và cơ bản hoàn thành các sản phẩm nghiên cứu về giống, quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình, đào tạo, bài báo về chủng loại, số lượng, khối lượng và chất lượng các sản phẩm theo đặt hàng cụ thể như sau:

(1) Đã tài đã tiến hành thu thập, bổ sung được 469 mẫu giống lúa, bao gồm: các mẫu giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại làm nguồn vật liệu khởi đầu cho đánh giá để lựa chọn các cặp lai định hướng theo mục tiêu chọn tạo lúa chất lượng cao và lúa thơm chất lượng cao; thông qua phương pháp quan sát các đặc tính nông sinh học kết hợp với một số phương pháp trong công nghệ sinh học (MAS, MABC) đã đánh giá 1.702 mẫu giống để phân loại các dòng/giống mang các gen quy định tính trạng kháng bệnh bạc lá, đạo ôn, kháng rầy nâu và gen liên kết với tính trạng quy định mùi thơm để tạo nguồn vật liệu phục vụ công tác định hướng lai tạo; đã lai tạo được 1.290 tổ hợp lai, từ các cá thể phân ly đã chọn được 13.264 dòng triển vọng thuộc các thế hệ từ F2 – F10 phục vụ cho công tác chọn giống không những sử dụng trong nhiệm vụ này mà còn phục vụ cho chiến lược chọn giống lâu dài.

(2) Về giống: (i) Từ các nguồn vật liệu kế thừa đã chọn tạo được 11 giống lúa mới, trong đó phía Nam có 6 giống: OM20, OM429, OM375; OM402, OM10636, BĐR27 và phía Bắc có 5 giống: HD11, GL516, GL97, VN20, ĐH12 đáp ứng được các tiêu chí năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất thuận theo yêu cầu đặt hàng. Tám giống được công nhận chính thức hoặc công nhận lưu hành (Theo Luật trồng trọt) bao gồm: HD11, GL516, ĐH12, OM429, OM402, OM375, OM20 và BĐR27, trong đó có 5 giống lúa chất lượng cao và 3 giống lúa thơm chất lượng; (ii) Từ các nguồn vật liệu ban đầu (tính từ thời điểm đề tài được phê duyệt 10/2016) đã chọn được 5 dòng/giống lúa mới triển vọng OM8, OM469, OM449, OM476, BĐR57 đáp ứng được các tiêu chí theo Thuyết minh và đặt hàng của Bộ. Các dòng/giống mới này tiếp tục được đánh giá để tiến tới công nhận lưu hành trong thời gian tới;

(3) Về quy trình kỹ thuật canh tác các giống lúa mới chọn tạo: Song song với việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới, đề tài đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh cho từng giống, bao gồm: thời vụ, mật độ, phân bón, thu hoạch... cho từng giống ở các tiểu vùng sinh thái để phát huy tối đa tiềm năng của các giống mới trong sản xuất. Tám quy trình kỹ thuật canh tác đã được nghiên cứu hoàn thiện cùng 8 giống lúa mới và đều được ban hành cấp cơ sở phục vụ cho việc công nhận chính thức và công nhận lưu hành các giống mới được chọn tạo;

(4) Về xây dựng mô hình: Đề tài đã tiến hành xây dựng mô hình trình diễn giống mới ở các vùng nghiên cứu: (i) phía Bắc: HD11, GL516 với quy mô 20 ha/giống/vụ (Vụ Mùa 2020 và Vụ Đông Xuân 2020-2021); (ii) đồng bằng sông Cửu Long: OM429, OM402, OM375, OM20 với quy mô 50 ha/giống/vụ (Vụ Hè thu 2020 và Vụ Đông Xuân 2020-2021); (iii) Nam trung bộ: BĐR27 với quy mô 35,0 ha/vụ (vụ Hè thu 2020 và vụ Đông Xuân 2020-2021). Đặc biệt giống ĐH12 đã có quyết định công nhận chính thức năm 2019 nên việc mở rộng xây dựng mô hình rất thuận lợi, riêng năm 2020 giống đã 32 được triển khai trên tổng số diện tích 1.138 ha chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An;

(5) Đào tạo, hợp tác với IRRI: (i) Đã mời được 6 lượt chuyên gia IRRI sang tập huấn cho cán bộ Việt Nam và thảo luận các vấn đề nghiên cứu chọn tạo giống lúa chuyên sâu; (ii) Đã cử 20 cán bộ đi đào tạo ngắn hạn tại IRRI và Ấn độ; 10 lượt cán bộ chọn giống có nhiều kinh nghiệm sang IRRI, Ấn Độ và Nhật Bản để trao đổi công tác chọn tạo giống lúa.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20224/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 1133
Tổng lượt truy cập: 3.951.152
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!