Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên địa bàn trong thời gian qua. Từ những hiệu quả bước đầu trong quá trình triển khai thực hiện TTKDTM, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển TTKDTM trên địa bàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ và dịch vụ thanh toán điện tử.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán
Toàn tỉnh hiện có 11 quỹ tín dụng nhân dân, 11 chi nhánh cấp 1 của tổ chức tín dụng, 11 chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh và 51 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng thương mại đang hoạt động.
Các ngân hàng đã lắp đặt 111 máy ATM (trong đó có 6 máy ATM đa chức năng cho phép người dân nộp tiền vào tài khoản ngân hàng 24/7), 693 POS, hơn 7.165 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode tại các doanh nghiệp, cơ sở, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... đã tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh thị xã Quảng Trị phủ sóng dịch vụ VietQR đến khách hàng - Ảnh: T.T
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển số lượng tài khoản, thẻ, giới thiệu mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, Ngân hàngThương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank chi nhánh tỉnh Quảng Trị (VCB Quảng Trị) đã tập trung triển khai có kết quả các giải pháp TTKDTM.
Theo đó, từ năm 2019, chi nhánh đã phối hợp với Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh bố trí quầy giao dịch để hỗ trợ, tư vấn người dân và doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng, thực hiện thu phí, lệ phí và hướng dẫn khách hàng thanh toán qua các phương thức không dùng tiền mặt. Từ năm 2019 -2021, VCB Quảng Trị đã ký thỏa thuận với tất cả các sở, ban, ngành có thực hiện thu phí, lệ phí thông qua mã QR tĩnh.
Đồng thời mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trên địa bàn. Đến ngày 31/12/2022, chi nhánh có 220 đơn vị chấp nhận thẻ, chiếm xấp xỉ 50% tổng số máy POS đang hoạt động trên toàn tỉnh. “Thời gian tới, chúng tôi thực hiện chuyển đổi mô hình ngân hàng bán lẻ tại quầy, đưa vào hệ thống máy gửi tiền tự động lắp đặt các điểm giao dịch của chi nhánh, đồng thời triển khai các chương trình hành động, mở rộng thêm mạng lưới máy POS, QRCode, Dizibit tại các đơn vị kho bạc nhà nước, bệnh viện, trường học, cơ quan thuế…gắn với chất lượng dịch vụ tốt nhất, hướng tới mục tiêu 100% khách hàng phát sinh giao dịch tại VCB sử dụng các sản phẩm dịch vụ TTKDTM tại VCB đạt hiệu quả cao nhất”, Giám đốc VCB chi nhánh Quảng Trị Trần Thanh Hải chia sẻ.
Có thể khẳng định, hoạt động TTKDTM đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện qua những điểm nổi bật chính gồm: hành lanh pháp lý phục vụ cho chủ trương TTKDTM và thanh toán điện tử đã từng bước được ban hành một cách đồng bộ và hoàn thiện.
Trong giai đoạn 2016- 2020, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc.
Tính từ năm 2018-2022, giao dịch qua hệ thống TTĐTLNH tăng bình quân về giá trị là 34%/năm, được kết nối với hệ thống 64 kho bạc nhà nước và tất cả các tổ chức tín dụng trên toàn quốc. Đến ngày 31/12/2022, riêng chuyển tiền qua các kênh trực tuyến mobile banking, internet banking, QRCode và POS đạt hơn 27,8 triệu món, tương ứng với hơn 440.955 tỉ đồng.
Đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả chương trình an sinh xã hội. Đến nay, 100% đơn vị đã kê khai đăng ký nộp thuế của ngành thuế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán điện tử.
Một số dịch vụ công thực hiện TTKDTM mặt đạt tỉ lệ tương đối cao như tiền điện, bảo hiểm và trợ cấp xã hội. Anh Nguyễn Đăng Linh, ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết: “Từ khi ngành điện triển khai thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng thay vì tiền mặt thì thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi tháng, sau khi có thông báo về lượng điện tiêu thụ và số tiền phải nộp, chỉ cần sử dụng ứng dụng ví điện tử trên điện thoại là có thể thanh toán ngay tiền điện, vừa nhanh gọn, an toàn mà không phải mất nhiều thời gian đi đóng tiền điện trực tiếp”.
Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu song quá trình triển khai đẩy mạnh TTKDTM qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: học phí, viện phí, dịch vụ hành chính công vẫn còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên Cổng dịch vụ công chỉ cho phép thực hiện thanh toán phí chủ yếu theo hình thức kết nối với tài khoản thanh toán hoặc thẻ nội địa mà chưa thực hiện thanh toán qua các hình thức thanh toán khác như QRCode, thẻ quốc tế. Vì vậy, hầu hết thu phí dịch vụ đều do cán bộ hành chính nhập sau khi hoàn thành thu tiền mặt.
Đối với dịch vụ thu viện phí, đến ngày 31/12/2022 vẫn chưa thực hiện thanh toán tiền viện phí theo phương thức TTKDTM, mặc dù các ngân hàng đã khảo sát, lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán POS tại một số điểm thanh toán của bệnh viện, cơ sở y tế và phần lớn các ngân hàng đã miễn phí dịch vụ chuyển tiền qua ứng dụng điện thoại, thanh toán qua QRCode…
Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Đối với các lĩnh vực chưa được áp dụng việc TTKDTM rộng rãi như y tế, giáo dục, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo tăng cường việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện.
Đồng thời thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp”.
Để thúc đẩy phát triển TTKDTM trên địa bàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thời gian tới tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ và dịch vụ thanh toán điện tử. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm thanh toán số, đẩy mạnh thanh toán điện tử ở các dịch vụ hành chính công.
https://baoquangtri.vn/