Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 06-03-2023

Chuyển đổi số quốc gia năm 2022: Kết quả, tồn tại và kiến nghị

Tại Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ diễn ra ngày 25/02/2023, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhiều chỉ tiêu của chuyển đổi số quốc gia năm 2022 đã vượt mục tiêu đặt ra. Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại và kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cho các năm tiếp theo.

Nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu

Nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua được đền đáp bằng nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các kết quả trên được thể hiện qua một số chỉ tiêu quan trọng.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5% (mục tiêu 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66% (mục tiêu 65%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80% (mục tiêu 80%); tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34% (mục tiêu 50%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50% (mục tiêu 50%); tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 75% (mục tiêu 75%); tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30,07% (mục tiêu 30%); tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85% (mục tiêu 85%). Bên cạnh đó, cũng có 2 chỉ tiêu chưa hoàn thành là tỷ lệ báo cáo của cơ quan nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 40,47% (mục tiêu 50%) và tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đạt 11,8% (mục tiêu 50%).

Về kết quả triển khai Đề án 06, có 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 17/02/2023, thu nhận 21.830.518 hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt 20.081.536 hồ sơ (đạt 92% so với tổng số hồ sơ được thu nhận); đã có 128.855 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 29.110 công dân; có 803 tin phản ánh về an ninh trật tự từ 501 công dân qua VneID. Đã cấp 78.553.494 thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân; đã có 12.269/13.047 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 94,03%, tăng 245 cơ sở so với tháng 12/2022) với 17.518.220 công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc (tăng 8.442.413 công dân so với tháng 12/2022). 13/30 bộ, ngành; 04 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kết nối, khai thác chính thức.

Một số tồn tại, hạn chế

Cũng tại Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu lên một số tồn tại hạn chế. Trong đó chủ yếu là tồn tại, hạn chế về vấn đề phát triển dữ liệu; trong triển khai các nền tảng số; nhân lực cho chuyển đổi số; thiếu sự chủ động, chậm trễ trong lập kế hoạch và tổ chức triển khai nhiệm vụ; thiếu đồng bộ trung ương và địa phương, giữa các địa phương trong triển khai Đề án 06.

Vấn đề phát triển dữ liệu: một số cơ sở dữ liệu quốc gia cốt yếu chưa được hoàn thành hoặc một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hình thành nhưng chưa được kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả; các cơ sở dữ liệu đã xây dựng còn rời rạc, cát cứ, chưa được quy hoạch, tổ chức, dùng chung thống nhất trong cơ quan nhà nước. Nhận thức về dữ liệu và năng lực tổ chức, khai thác dữ liệu còn hạn chế; lúng túng trong việc xác định mô hình tổ chức các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương; điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo để thu thập, kết nối, khai thác dữ liệu ổn định, thống nhất và đồng bộ.

Khó khăn trong triển khai các nền tảng số: việc triển khai các nền tảng số trong chuyển đổi số là cách tiếp cận mới, khác với việc triển khai các hệ thống thông tin trước đây nên nhiều bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai. Việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở trung ương chủ trì còn chậm trong khi còn thiếu những quy định, hướng dẫn về kiến trúc, mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật của các nền tảng số quốc gia, nên việc triển khai sử dụng nền tảng tại các địa phương chưa đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Nhân lực cho chuyển đổi số: đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương vừa thiếu về số lượng và kiến thức, kỹ năng tham mưu tổ chức triển khai chuyển đổi số. Tỷ lệ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin được đào tạo, đạo tạo lại, bồi dưỡng về chuyển đổi số còn rất thấp. Việc phổ cập kỹ năng số cho lực lượng lao động làm việc trong các ngành nghề khác nhau và cho người dân còn chậm. Số lượng, chất lượng kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia còn chậm triển khai (chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số).

Thiếu sự chủ động, chậm trễ trong lập kế hoạch và tổ chức triển khai nhiệm vụ: hiện mới có 06/30 bộ, ngành và 29/63 địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023.

Thiếu đồng bộ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương trong triển khai Đề án 06: còn tồn đọng nhiều nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra năm 2022; đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do các cơ sở dữ liệu này chưa sẵn sàng để kết nối, đưa vào khai thác chính thức. Một số dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự tiện lợi dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia còn thấp; đặc biệt là các dịch vụ công liên thông chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng trên toàn quốc, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Về việc thực hiện quy định không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy: nhiều công chức, viên chức, người dân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc này; nhiều địa phương chưa hướng dẫn cắt bỏ thành phần bản sao, công chức, viên chức vẫn yêu cầu nộp bản giấy trong thực hiện thủ tục hành chính, có tâm lý bị động, chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành. Vấn đề này nếu không sớm được giải quyết triệt để sẽ gây mất niềm tin của người dân, tạo ra dư luận xã hội không tốt. Việc khắc phục những tồn tại về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn chậm, dẫn đến chưa thể kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kiến nghị, đề xuất

Chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: (1) Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (2) Công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; (3) Mở dữ liệu; và (4) An toàn dữ liệu.

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Năm 2023 là năm bản lề, đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cho năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cụ thể:

Một là, quán triệt quan điểm xuyên suốt: “Tổ chức triển khai chuyển đổi số quốc gia, tại từng bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”. Chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị. Chuyển đổi số triển khai toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, làm đâu chắc đó; tránh tình trạng trăm hoa đua nở, tránh hình thức, chồng chéo; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, làm đâu dứt đó; dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống", “dọc ngang thông suốt”, an toàn, bảo mật.

Hai là, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương năm 2023 dựa trên nội dung Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của bộ, ngành, địa phương.

Bốn là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2023.

Năm là, triển khai hiệu quả kế hoạch hành động “Năm quốc gia về dữ liệu số” phù hợp với hoàn cảnh của từng bộ, ngành, địa phương.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 316
Tổng lượt truy cập: 3.502.765
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!