Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 13-06-2024

Chuyển đổi sang nhà máy thông minh - xu thế tất yếu

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình hoạt động của nhà máy thông minh đã và đang được triển khai rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản xuất, trở thành xu thế tất yếu.

Nhà máy thông minh (Smart Factory) với yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data),… áp dụng vào sản xuất, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp.

Nhà máy thông minh đánh dấu bước nhảy vọt từ nhà máy tự động hóa truyền thống 3.0 sang nhà máy 4.0 nơi hệ thống máy móc, cảm biến, dữ liệu, con người… được kết nối internet, đồng bộ với nhau qua hệ thống để đưa ra các quyết định sản xuất hiệu quả. Với những tiềm năng mang lại, thị trường nhà máy thông minh trên toàn cầu ước đạt 153,7 tỷ USD vào năm 2019 và con số này dự báo sẽ tăng đạt mức 244,8 tỷ USD vào năm 2024.

Chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu của Hãng Tư vấn Deloitte (Hoa Kỳ) chỉ ra, việc ứng dụng nhà máy thông minh đã giúp tăng trung bình 12% năng suất lao động của công nhân, 11% hiệu suất nhà máy và 10% tổng sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, Hãng Nghiên cứu tư vấn kinh tế Frontier Economics (Anh) cũng cho biết các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng trưởng lợi nhuận tới 38% cho ngành sản xuất vào năm 2035.

Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc được đánh giá là những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm, có điều kiện thuận lợi để nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy đặc tính ưu việt của chúng, đây lại là những lĩnh vực có thế mạnh tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, IoT mở ra những tiềm năng lớn trong việc tạo ra quy trình sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả. IoT không chỉ làm thay đổi cách mà các nhà máy hoạt động, mà còn tạo ra môi trường sản xuất linh hoạt và kết nối, giúp tăng năng suất và giảm chi phí. IoT kết hợp với AI cũng mở ra cánh cửa cho các hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn.

Nhờ ứng dụng nhà máy thông minh, giá trị hàng tồn kho tại Rạng Đông đã giảm 30%, tiết kiệm chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng… so với trước kia. Từ đó, các sản phẩm của Công ty đã đáp ứng yêu cầu đánh giá của cơ quan chứng nhận quốc tế, đáp ứng khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…

Không riêng Rạng Đông, GE Hải Phòng hiện cũng là một trong những nhà máy thông minh hàng đầu nước ta, nhà máy thông minh đã giúp cho GE Hải Phòng tiết kiệm tới 30% thời gian hoàn tất đơn hàng, giảm lượng hàng tồn kho tới 20%, nâng cao năng suất thêm 15% và hiệu suất tổng thể tăng 25%.

Nhà máy Takako Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I tỉnh Bình Dương) cũng là minh chứng cho thấy ưu thế vượt trội từ việc ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số, áp dụng nhà máy thông minh vào sản xuất. Bằng việc kết nối các máy móc, thiết bị, công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng AI và IoT làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, năng suất lao động tại công ty đã cải thiện 2,5 lần so với trước. 

Thời gian qua, nhằm khuyến khích doanh nghiệp Việt phát triển theo xu hướng nhà máy thông minh, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực vào lĩnh vực chuyển đổi số này, góp phần thực hiện thành công chủ chương chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề được coi là rào cản cho giải pháp phát triển nhà máy thông minh như: nguồn nhân lực đang thiếu và yếu về năng lực; mô hình quản trị và quy trình đi kèm của các doanh nghiệp còn lạc hậu...

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 5657
Tổng lượt truy cập: 3.949.580
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!