Tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số
Ngày 20/6/2024 tại Bình Dương đã diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ”.
Quang cảnh tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, TS Đoàn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và làm chủ công nghệ số, trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các địa phương trong việc hội nhập và phát triển bền vững. Trường Đại học Thủ Dầu Một, với sứ mệnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không ngừng nỗ lực để bắt kịp xu thế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. TS Đoàn Ngọc Xuân cho rằng, buổi tọa đàm là cơ hội để cùng thảo luận, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn, những xu hướng mới nhất, cũng như những thách thức và cơ hội trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, công nghệ vi mạch bán dẫn hiện đang là một trong những lĩnh vực tiên phong, có vai trò then chốt trong sự phát triển của công nghệ số và Công nghệ 4.0. Việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương như Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.
Theo các điễn giả, ngành vi mạch bán dẫn là nền tảng của nhiều công nghệ hiện đại và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế số. Tại Việt Nam, ngành này đang dần khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội phát triển mà chúng ta cần cùng nhau nỗ lực vượt qua và nắm bắt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất đã trở thành xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và tự động hóa đã và đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của các nhà máy, tạo ra những giá trị mới và mở ra nhiều cơ hội phát triển.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, cho rằng, AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại và là chìa khóa mở ra những tiềm năng vô hạn trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, kinh doanh và sản xuất. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI là yếu tố then chốt để tận dụng những cơ hội mà công nghệ này mang lại, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm giúp đại biểu hiểu rõ hơn về tình hình đào tạo AI tại Việt Nam; cung cấp những gợi ý và giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này.
Dịp này, Trường Đại học Thủ Dầu Một và các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), nhằm thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả nhà trường và các doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu đã trao giấy chứng nhận hoàn thành Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch (Physical Design & Design Verification) dành cho giảng viên cho 23 người là giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một (gồm 3 kỹ sư, 14 thạc sĩ và 6 tiến sĩ). Khóa học do Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu tổ chức giảng dạy dưới sự hỗ trợ của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) cùng các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn là Synopsys và Candence. Khóa học là một chương trình đào tạo chuyên sâu, nhằm trang bị cho các thầy cô những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực vi mạch.