Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 20-06-2022

Phần mềm chuyển đổi số - Giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý sản xuất kinh doanh

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, quản lý doanh trại… Việc ứng dụng các giải pháp, các công nghệ tiên tiến sẽ giúp tạo ra nông sản có chất lượng cao hơn, nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí.

Nhận thấy tầm quan trọng này, ông Nguyễn Thanh Mộng - Kỹ sư Công nghệ thông tin, Giám đốc phát triển dự án Nông nghiệp tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp về phần mềm chuyển đổi số góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong vấn đề quản lý sản xuất, đặc biệt là đối với các hợp tác xã, trang trại. “Từ năm 2016, tôi sang Nhật công tác và đã thấy người nông dân Nhật sử dụng phần mềm lâu rồi, nên tôi muốn ứng dụng những phần mềm này để triển khai ở Việt Nam” - ông Nguyễn Thanh Mộng chia sẻ.

Thông qua hội thảo, Kỹ sư Nguyễn Thanh Mộng đã giới thiệu nhiều giải pháp chuyển đổi số, trong đó có phần mềm Nhật ký sản xuất vùng cho trang trại FaceFarm và hệ thống phần mềm Kế toán hợp tác xã WACA.

Phần mềm nhật ký sản xuất vùng cho trang trại FaceFarm

Theo Kỹ sư Nguyễn Thanh Mộng, trước khi cho ra mắt các sản phẩm phần mềm về công nghệ số, ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu kỹ các khó khăn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc chuyển đổi số và nhận thấy nhiều vấn đề còn tồn tại. Thứ nhất, trong quá trình sản xuất đến phân phối, chưa có thông tin đầy đủ, kịp thời như quản lý vùng nguyên liệu, cấp mã vùng trồng, thống kê để phục vụ người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và cả cơ quan chuyên ngành. 

Bên cạnh đó, các đơn vị hỗ trợ sản xuất, thị trường, thương mại... khó nắm bắt thông tin, dẫn đến việc quy hoạch, điều chỉnh, cân đối cung - cầu, chế tài chưa được triển khai kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, khi bị bắt buộc ghi chép nhật ký sản xuất thì các hợp tác xã còn thực hiện ghi chép thủ công.

Để giải quyết vấn đề trên, đồng thời mong muốn góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số cho công nghiệp Việt Nam, phần mềm Nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm đã ra đời, dựa trên nền tảng phần mềm của Sorimachi Nhật Bản. 

Với việc sử dụng thuật toán đám mây, FaceFarm giúp người dùng theo dõi nông trại mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có điện thoại hay máy tính kết nối internet, người dùng có thể ghi chép nhật ký sản xuất nhanh chóng mà không cần cài đặt, không lo hư hỏng máy hay mất dữ liệu… Đặc biệt phần mềm này có chức năng quản lý thực địa nơi sản xuất bằng hình ảnh và ứng dụng bản đồ Google Maps, nhờ đó người dùng có thể dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác. 

Phần mềm Nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm được các chuyên gia đánh giá có những tính năng ưu việt như dễ dàng lập kế hoạch và kiểm tra trước khi bắt đầu mùa vụ, có thể kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật và dự đoán cung cầu. Phần mềm sẽ ghi chép nhật ký sản xuất mọi lúc mọi nơi, tại nhà, tại cơ quan, hay ngay tại đồng ruộng... từ đó giúp việc ghi chép tiện lợi và nhanh chóng, ghi chép được lượng thông tin lớn, thông tin dữ liệu được lưu trữ an toàn, bảo mật trên đám mây. 

Bên cạnh đó, tính năng quản lý nơi sản xuất, vùng trồng bằng Google Maps sẽ giúp cập nhật, xem và kiểm tra thông tin một cách trực quan, từ đó dễ dàng quản lý và nắm bắt tình hình nơi sản xuất. Đồng thời, các vị trí, tọa độ vùng trồng được hiện đầy đủ, khi đó UBND cấp tỉnh sẽ dễ dàng quản lý và cấp mã số vùng trồng (Điều 64 Luật trồng trọt), quản lý vùng trồng… 

Các mô hình ứng dụng FaceFarm vào thực tế như sổ tay theo dõi tình hình sản xuất khoai lang nhật, sổ tay theo dõi tình hình sản xuất bưởi da xanh Đồng Tiến. 

Ông Nguyễn Thanh Mộng cho hay: “Một trong những tính năng được các chuyên gia đánh giá cao phần mềm là việc truy xuất nhật ký bằng QR Code và lấy chứng nhận. Người dùng FaceFarm có thể tự tạo mã QR Code. Người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin sản phẩm với những thông tin chi tiết nhất. Có thể xuất trang nhật ký, dễ dàng thực hiện các thủ tục lấy chứng nhận GAP/ORGANIC, mã vùng trồng…” 

Ngoài ra, phần mềm còn có các tính năng khác như quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tích lũy và chia sẻ kinh nghiệm bằng việc lưu lịch sử canh tác trong quá khứ bằng hình ảnh và video, thống kê các dữ liệu liên quan đến quá trình sản xuất, tích hợp sàn thương mại điện tử FaceFarm và có thể kết nối đến các trang thương mại điện tử khác.

Hệ thống phần mềm kế toán hợp tác xã WACA

Nghiên cứu về những vấn đề mà hợp tác xã (HTX) gặp phải, đặc biệt là trong khâu kế toán HTX, nhóm nghiên cứu nhận thấy hệ thống phần mềm kế toán chưa có tính thống nhất, sổ sách kế toán còn thực hiện thủ công. Từ những vấn đề đó, các HTX khó nhận được đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân và cơ quan tài chính, gây khó khăn trong việc tổ chức kiểm toán HTX và không tạo được lòng tin cho thành viên HTX, nhà cung cấp, các tổ chức tín dụng.

Hiểu được vấn đề của HTX Việt Nam, cùng với bề dày kinh nghiệm, Kỹ sư Nguyễn Thanh Mộng cùng cộng sự đã xây dựng phần mềm Kế toán HTX WACA dựa trên hệ thống web kế toán nông nghiệp của Sorimachi Nhật Bản. Đây là phần mềm chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực phần mềm kế toán nông nghiệp tại Nhật Bản. WACA được thiết kế phù hợp với chế độ kế toán HTX Việt Nam và trình độ công nghệ thông tin của các HTX. 

Việc ứng dụng WACA sẽ giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý tài chính, giảm thiểu chi phí, nắm bắt kịp thời tình hình kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực quản lý của HTX. 

Giao diện phần mềm trên máy tính

Đối với phần mềm này, số liệu sẽ được tổng hợp lên báo cáo tài chính, có thể xuất các tờ kê khai thuế và báo cáo tài chính vào phần mềm hỗ trợ kê khai thuế. Bên cạnh đó, với thiết kế đơn giản, người chưa có kinh nghiệm vẫn có thể dễ dàng sử dụng, cập nhật kịp thời các thay đổi mới nhất về chế độ kế toán, chính sách thuế… Đặc biệt, phần mềm độ bảo mật an toàn cao, chỉ người quản lý được cấp phép truy cập vào dữ liệu, phát hiện nhanh chóng hành vi trái phép. 

Kỹ sư Nguyễn Thanh Mộng giải thích: “Chức năng đặc thù của phần mềm kế toán hợp tác xã WACA là quản lý góp vốn, cung ứng, sử dụng dịch vụ, phân chia lợi nhuận thành viên, giá thành sản phẩm, tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó, phần mềm giúp người dùng quản lý dữ liệu tập trung nên các cơ quan quản lý HTX có thể phân tích và chỉ đạo kinh doanh cho các HTX nhanh chóng, kịp thời.”

Ngoài các phần mềm chính, Kỹ sư Nguyễn Thanh Mộng cũng chia sẻ về một số phần mềm khác như phần mềm tính lương, phần mềm quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ, phần mềm quản lý bán hàng… Thông qua hội thảo, các đại biểu tham dự đã có thêm những thông tin hữu ích về chuyển đổi số cũng như các phần mềm giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng trong các khâu sản xuất kinh doanh. 

Trước đó, Ký sư Nguyễn Thanh Mộng cùng các cộng sự đã kết hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam (VCA) tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về phần mềm Kế toán HTX WACA tại Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang. 

Ngoài ra, phần mềm Kế toán HTX WACA cũng được các chuyên gia đề xuất với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO)...

Hiện nay, hai phần mềm WACA - FaceFarm đã được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tuyển chọn để tài trợ triển khai tại tỉnh Lâm Đồng từ tháng 1/2021.

https://khcncongthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 89
Hôm nay: 796
Tổng lượt truy cập: 3.615.388
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!