Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 02-08-2023

Chế phẩm synbiotic nuôi tôm thẻ chân trắng từ phụ phẩm khô đậu nành

Đây là chế phẩm kết hợp men vi sinh probiotic và chất xơ prebiotic, giúp nâng cao tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho tôm.

Chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng

Chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: CESTI

Trong ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản hiện nay, rất nhiều hộ sản xuất đang hướng đến các giải pháp phát triển bền vững như sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung synbiotic (kết hợp men vi sinh probiotic và chất xơ prebiotic) cho tôm, thay vì các hoá chất có hại. Sự kết hợp của probiotic và prebiotic làm tăng khả năng sống sót của các vi khuẩn probiotic có lợi trong hệ tiêu hóa, đồng thời giảm số lượng quần thể vi khuẩn có hại. Ngoài ra, vi khuẩn trong đường ruột nhờ prebiotic mà có thể chịu đựng tốt điều kiện oxy, pH thấp, nhiệt độ trong hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, các chế phẩm synbiotic nhập ngoại có giá thành tương đối đắt đỏ. Bên cạnh đó, một số sản phẩm nhập khẩu không thích hợp với điều kiện thủy sinh, thổ nhưỡng cũng như giống vật nuôi trong nước ta nên hoạt tính không ổn định.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng chế phẩm synbiotic để nuôi tôm tại Việt Nam, nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CNViệt Nam) đã tiến hành dự án “Hoàn thiện chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) công nghiệp”, giúp nâng cao tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho tôm.

Chủ nhiệm dự án, TS. Hoàng Phương Hà, cho biết nhóm đã lựa chọn khô đậu nành - một loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có sau khi sản xuất dầu - làm thành phần chất xơ prebiotic trong chế phẩm.

Hơn thế, khô đậu nành còn chứa khá nhiều chất dinh dưỡng và protein (hàm lượng protein thô trong khô đậu nành chiếm tới 48%; chất béo 1-2%; chất xơ 4,5-6%) nên khi được lên men trực tiếp với nhóm vi sinh vật có lợi, các vi sinh vật này có thể tận dụng toàn bộ giá trị dinh dưỡng của khô đậu nành làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi thủy sản. Một số chất ức chế dinh dưỡng như ức chế tripsin (trypsin inhibitor) chứa trong khô dầu đậu nành cũng sẽ được chuyển hóa thành các axit béo mạch ngắn trong quá trình lên men.

d

Sơ đồ tổng quát quá trình tạo chế phẩm symbiotic. Ảnh: CESTI

Các nhà khoa học cũng sử dụng các chủng probiotic có khả năng sinh các enzyme tiêu hóa như amylase, cellulase, protease… - đều là những chủng tạomàng sinh học(biofilm) rất tốt, có thể tồn tại lâu dài trên thành ruột của tôm, có khả năng kháng lại vi khuẩn gây bệnh đường ruột Vibrio parahaemolyticus.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm chế phẩm synbiotic tại Hợp tác xã Thuận Yến (huyện Cần Giờ) trong hai vụ nuôi tôm, mỗi vụ khoảng 90-100 ngày. Ao nuôi thử nghiệm rộng 1.000 m2, mật độ nuôi 200 con/m2. Lượng chế phẩm synbiotic bổ sung vào ao nuôi tùy vào thời điểm tôm sinh trưởng, dao động từ 3-6 gr/kg thức ăn. Chế phẩm được bổ sung nhiều từ khoảng ngày 40 đến cuối vụ nuôi để kích thích sinh trưởng của tôm tốt hơn.

Kết quả thử nghiệm cho thấy việc bổ sung chế phẩm synbiotic giúp tỷ lệ sống của tôm đạt trên 85% (cao hơn so với ao đối chứng - dưới 80%); sản lượng tôm thu hoạch tăng khoảng 1,34-1,37 lần; ước tính doanh thu tăng 8,5%.

Một ưu điểm khác, đó là chế phẩm này sử dụng các chủng vi sinh vật bản địa nên dễ thích ứng với điều kiện ngoại cảnh của khí hậu và môi trường nuôi tôm tại Việt Nam. Chế phẩm cũng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh nên giúp giảm việc sử dụng kháng sinh tổng hợp, qua đó giảm được ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, quy trình sản xuất chế phẩm không phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp nên tiết kiệm được nhiều chi phí, nhóm nghiên cứu cho biết.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn mở rộng quy mô ứng dụng cho các loài thủy sản khác như cá, động vật 2 mảnh vỏ… để tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 2207
Tổng lượt truy cập: 4.027.267
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!