Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 07-07-2022

ISO 56000 - Bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp thiết lập nền tảng để đổi mới

Với sự khởi đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những định hướng năng suất, khả năng cạnh tranh đã chuyển từ hiệu quả và chất lượng sang đổi mới và tinh thần kinh doanh. Trong các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đổi mới có thể được thực hiện đối với sản phẩm, dịch vụ, quá trình, thiết bị, công nghệ, phương pháp quản lý, mô hình kinh doanh và hầu như tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng đổi mới có thể là những đổi mới nhỏ, đột phá hoặc triệt để. Với chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng ngắn hơn, môi trường kinh doanh không ngừng phát triển, việc thúc đẩy mạnh mẽ và quản lý đổi mới đã trở nên không thể thiếu đối với tăng trưởng năng suất bền vững. Theo đuổi sự đổi mới có thể sẽ là thách thức nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống.

Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới. Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới. Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, v.v.

ISO 56000 là gì?

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tuy vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện nhưng đó không phải là lý do để chúng ta bỏ qua những tiêu chuẩn hiện đã ban hành. Các tiêu chuẩn ISO 56000 được thiết kế và soạn thảo bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (International Organization for Standardization - ISO) - cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia. Tổ chức này đã đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, không bao giờ là quá sớm để nắm bắt cơ hội, đặc biệt là một cơ hội tạo ra lợi thế người dẫn đầu để vận hành quản lý đổi mới sáng tạo như là năng lực cốt lõi của tổ chức.

TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - một trong những người tiên phong trong việc đưa tiêu chuẩn quốc tế về quản lý đổi mới sáng tạo đến với Việt Nam đã phát biểu tại một hội thảo về quản lý đổi mới sáng tạo "ISO 56000 thực sự là tiêu chuẩn hoá các công cụ, phương pháp và sự tương tác mà doanh nghiệp cần tạo ra cơ hội cho các bên liên quan để hỗ trợ hoạt động đổi mới". Tiêu chuẩn này thực sự được thiết kế để giúp quản lý bất kỳ loại hình đổi mới nào, trong bất kỳ tổ chức nào. Nó tích hợp tất cả các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO và tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO trong tương lai." 

Vì sao doanh nghiệp nên quan tâm đến ISO 56000?

ISO 56000 giúp lãnh đạo các doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về quản lý đổi mới sáng tạo như cách họ quản lý sở hữu trí tuệ, cách họ duy trì kiến thức và sự hiểu biết và cách họ quản lý các ý tưởng. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái quản lý đổi mới sáng tạo. Với ISO 56000, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có quy mô và các tập đoàn đa quốc gia sẽ: Suy nghĩ lại về cách họ quản lý mối quan hệ với các đối tác đổi mới sáng tạo; Quản lý các phương pháp họ sử dụng để đạt được thành công trong đổi mới sáng tạo; Tìm hiểu cách thức đào tạo về quản lý đổi mới sáng tạo và khám phá lý do tại sao cần thực hiện các hoạt động đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo. Những tiêu chuẩn này có thể không dễ dàng áp dụng, nhưng sẽ trở nên rất cần thiết. 84% giám đốc điều hành nói rằng thành công trong tương lai của họ là phụ thuộc rất nhiều vào sự đổi mới sáng tạo, trong khi 95% các đổi mới sản phẩm bị thất bại. Cho đến nay, sau nhiều thập kỷ, đã có một bộ tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo được quốc tế công nhận dành cho các tổ chức thuộc các ngành nghề khác nhau.

So sánh tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 56000 chúng ta có thể thấy sự giống nhau ở điểm cả hai đều nhằm mục đích tạo ra giá trị cho các bên quan tâm và như vậy, rất quan trọng đối với sự thành công của một tổ chức. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc lẫn nhau và kết nối theo nghĩa là một tổ chức có thể cần phải đổi mới để cải thiện chất lượng và đồng thời, đảm bảo chất lượng của các quá trình đổi mới của nó. ISO 56000 bổ sung cho ISO 9001 bằng cách tạo ra một mô hình hoàn chỉnh để đạt được thành công bền vững và lâu dài đối với tất cả các tổ chức.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 và tiếp tục ban hành gồm các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo. Đến nay, có thể xác định bộ tiêu chuẩn này bao gồm: ISO 56002: gồm các hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo và kết hợp tài liệu từ các phương pháp trước đây.

Ảnh minh họa. 

ISO 56003: 2019 và ISO 56004: 2019 là các tài liệu hướng dẫn về quản lý đổi mới sáng tạo (các công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo) và hướng dẫn đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo.

ISO 56003 bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như cách các công ty khởi nghiệp hợp tác với các tổ chức lớn, quan hệ đối tác đổi mới và cân nhắc đối với các tổ chức từ thiện và các tổ chức công cộng.

ISO/TR 56004 cũng bao gồm các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như đánh giá và phương pháp quản lý đổi mới để đổi mới thành công.

Các tiêu chuẩn đang trong quá trình xây dựng gồm: ISO 56006: Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý chiến lược thông minh; ISO 56007: Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý ý tưởng; ISO 56008 bao gồm các công cụ và phương pháp để đo lường hoạt động đổi mới

ISO 56000 hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?

ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ. Theo Planbox, để đạt được mục tiêu quản lý đổi mới, các doanh nghiệp cần phân tích những năng lực cốt lõi của họ trong năm lĩnh vực sau: Chiến lược: Làm thế nào để các nhiệm vụ phù hợp với các mục tiêu đổi mới của một doanh nghiệp? Các dự án sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo ra sao? Các công ty cần có một chiến lược rõ ràng và cụ thể để quản lý đổi mới sáng tạo.

Văn hoá: Làm thế nào để đổi mới đóng một vai trò trong công việc hàng ngày của một doanh nghiệp? Đổi mới sáng tạo có phải là một phần của văn hóa của một doanh nghiệp? Hay chỉ là một suy nghĩ thoáng qua?

Quá trình: Các doanh nghiệp cần nhiều lần đánh giá thành công của họ để phát triển các chiến lược quản lý đổi mới sáng tạo của họ. Đổi mới không nên chỉ được nuôi dưỡng ở giai đoạn não công mà phải được nuôi dưỡng trong suốt quá trình thiết kế và phát triển cho đến khi ra mắt sản phẩm.

Công cụ và kỹ thuật: Các doanh nghiệp cũng cần sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp (và thực hành tốt nhất) khi quản lý đổi mới sáng tạo.

Thước đo: Tổ chức sẽ đo lường và theo dõi các chiến lược quản lý đổi mới sáng tạo của họ như thế nào? Họ sẽ sử dụng những KPIs nào? Những kiến thức nào sẽ được tạo ra?

ISO 56000 tạo ra nguồn thông tin duy nhất để quản lý đổi mới sáng tạo và giúp các tổ chức nhận ra các mục tiêu đổi mới của họ. Tuy nhiên, cũng như với các tiêu chuẩn ISO khác, các doanh nghiệp cần thực hiện một cách tiếp cận chủ động và tìm các giải pháp thực hiện một cách tự động các chiến lược đổi mới của họ, cho dù đó là quản trị, theo dõi, quản lý hoặc báo cáo.

"Nhìn vào cấu trúc đổi mới cụ thể của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu các lĩnh vực đổi mới mình muốn theo đuổi và có một danh mục đổi mới cân bằng sẽ giúp doanh nghiệp chắc chắn nhận được lợi ích tốt nhất đối với những khoản đầu tư của mình" TS. Hiệp nói.

Làm thế nào các doanh nghiệp có thể kết hợp ISO 56000?

Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa các hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo của họ để tạo ra và truyền cảm hứng để có nhiều sáng kiến đổi mới hơn. Mọi người luôn có những ý tưởng tuyệt vời. Apple, Disney, Netflix… những thương hiệu này bắt đầu từ một ý tưởng duy nhất mà ai đó đã có tại một thời điểm nào đó trong lịch sử. Bây giờ, các doanh nghiệp cần kết hợp với ISO 56000 để họ có thể tạo điều kiện sáng tạo tốt hơn trong các tổ chức của mình. 

"Khi nghĩ về việc áp dụng các tiêu chuẩn để quản lý đổi mới sáng tạo, một phần rất quan trọng là việc xây dựng một Trung tâm xuất sắc (COE) về đổi mới sáng tạo. Ý tưởng là có một cộng đồng có thể xác định rõ ràng và chia sẻ tất cả những thông tin về đổi mới. Lịch tổ chức các sự kiện về đổi mới sáng tạo? Làm thế nào để mọi người đề xuất những đổi mới? Thành công về đổi mới được tạo ra là gì? Làm thế nào để mọi người học hỏi và chia sẻ những bài học thành công này? Những câu hỏi này nên có ở trong tâm trí của mỗi người quản lý đổi mới sáng tạo để có thể tạo ra sự kết nối giữa tất cả những người đóng góp cho chương trình đổi mới của tổ chức” - TS. Hà Minh Hiệp đã chia sẻ.

ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp thiết lập được nền tảng để đổi mới trong doanh nghiệp của họ. Việc xây dựng một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt là điều rất quan trọng, không chỉ để tuân thủ mà còn đảm bảo rằng những ý tưởng tốt nhất luôn được nuôi dưỡng và thực hiện đúng cách. Một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quản lý chiến lược đổi mới của họ để họ có thể kết nối, xử lý các con số và lập kế hoạch ra mắt sản phẩm mới sao cho không bị thất bại.

https://khcncongthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1141
Tổng lượt truy cập: 4.026.201
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!