Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 22-08-2022

Hội thảo khoa học về Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030

Ngày 19/8/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2030”.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mục tiêu của hội thảo nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và hình thành một nền tảng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình mới, xác lập định hướng dài hạn, xác định nhu cầu và các đối tượng cần ưu tiên trong các ngành/lĩnh vực, qua đó tập trung các nguồn lực để triển khai thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 được thực hiện với quan điểm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhất là thời gian qua Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài. Nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tồn tại cũng như giành được lợi thế trong cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cần xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Đại diện Vụ Tiêu chuẩn thuộc Tổng cục TĐC Trịnh Minh Tùng cũng đã trình bày Dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” để lấy ý kiến góp ý của các vị khách mời. Mục tiêu chung của “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” nhằm đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa của khu vực và quốc tế. Đồng thời, mục tiêu của “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” cũng được chia thành 2 giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn 1 là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật. Đạt được tối thiểu 70% số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của Ban chấp hành của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

Giai đoạn 2 là đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Tất cả các bộ, ngành hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn. Sẽ có tối thiểu 70% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được công bố. Trong giai đoạn này sẽ phấn đấu đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phươ

ng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu cho 35 trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Cử 4-6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của ISO và chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của Ban Quản lý kỹ thuật (Technical Management Board - TMB) của ISO.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến cho các mục tiêu cụ thể của dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa, đề xuất các giải pháp thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách, những thuận lợi, khó khăn, những thành công khi tổ chức áp dụng tiêu chuẩn tại cơ quan, doanh nghiệp.

https://vjst.vn/
 

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 151
Tổng lượt truy cập: 4.023.681
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!