Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 23-03-2023

5 nhiệm vụ quan trọng trong phát triển Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia

Để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đưa ra cần phải có các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn đã đưa ra 5 nhiệm vụ then chốt.

Các mục tiêu cụ thể

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. Theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục TCĐLCL, mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
 


Bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục TCĐLCL.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Ban hành danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong danh mục tiêu chuẩn nêu trên;

Đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 Bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này; Đến năm 2030 có 100% các Bộ, ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch; Tỷ lệ hài hoà hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 - 75% vào năm 2030;

Tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%; Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này là 80%;

Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%. Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp; Hoàn thiện các giáo trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 20 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề vào năm 2025 và đến năm 2030 là 35 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề;

Chủ trì và đồng chủ trì 1 - 2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 1-2 cán bộ, chuyên gia tham gia các Ban Kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn hoặc ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác của ISO, đến năm 2030 sẽ chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 4 - 6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của ISO;

Phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng ISO, trở thành thành viên đầy đủ của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật TMB của ISO, tham gia từ 5-7 Ban Kỹ thuật IEC; Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hệ thống TCVN, chuyên gia Ban Kỹ thuật TCVN và Ban kỹ thuật TCQT vào năm 2025, đến năm 2030 hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu về TCVN và Ban Kỹ thuật TCVN được kết nối với bộ, ngành và địa phương. 

5 nhiệm vụ trong phát triển chiến lược tiêu chuẩn hóa

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, bà Phạm Phương Thảo cũng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bao gồm: Rà soát và hoàn thiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng, công bố TCVN từ yêu cầu của thị trường và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; tăng cường cơ chế phối hợp với sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, các bên liên quan trong xây dựng, soát xét và sửa đổi TCVN;
 

 Việc rà soát và hoàn thiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là khâu quan trọng trong xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Ảnh minh họa.

Xây dựng cơ chế khuyến khích việc sử dụng các tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách đảm bảo hoạt động của Ban KT TCVN; tạo điều kiện cho các thành viên Ban kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân đại diện cho Việt Nam tham gia vào các Ban kỹ thuật TCQT, tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn của các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế;

Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo tiêu chuẩn tại các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp; Ban hành các tiêu chí về năng lực của đội ngũ chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp;

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phổ biến, áp dụng các QCVN, TCQT, TCKV và TCNN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam; sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ phát triển KHCN của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vào mục đích nghiên cứu về TCH; Xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp quan trọng trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.

Thứ hai là phát triển hệ thống TCVN của Việt Nam đến năm 2030, trong đó thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phải đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hình thành các tiêu chuẩn từ nhu cầu của thị trường; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Bộ, ngành và địa phương.

Thứ ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, xã hội; tăng cường sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội về hoạt động tiêu chuẩn hóa; xây dựng và phát triển văn hóa tiêu chuẩn hóa trong tổ chức và doanh nghiệp;

Chuẩn hóa hệ thống các chuyên gia về tiêu chuẩn: Đưa tiêu chuẩn hóa vào giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên và Xây dựng kế hoạch, tuyển chọn, cử chuyên gia tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về tiêu chuẩn hóa trong nước và nước ngoài; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; lựa chọn, cử một số thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tư là thúc đẩy hạ tầng số trong hoạt động tiêu chuẩn hoá, bao gồm hình thành cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài; Hình thành nền tảng số về tiêu chuẩn nhằm kết nối và chia sẻ giữa Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp; khuyến khích các địa phương xây dựng các cổng thông tin để hướng dẫn, phổ biến, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia; Khuyến khích chia sẻ, kết nối với nền tảng số của Việt Nam với các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, nước ngoài, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thứ năm là tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa như đẩy mạnh các chương trình hợp tác, dự án quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương về tiêu chuẩn hóa. 

Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp để giải quyết vấn đề thực tiễn của Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, nâng cao mức độ hài hòa của TCVN của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; Gắn kết hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia với các hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan của các bộ, ngành nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn..

https://www.most.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 240
Tổng lượt truy cập: 3.995.642
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!