Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 15-08-2023

Những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm tại Việt Nam

Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm như giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm…

Theo ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), các tiêu chuẩn cùng với quy định và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để đảm bảo thực phẩm an toàn tại tất cả các điểm dọc theo chuỗi cung ứng, cả trong nước và quốc tế.

Ông Lê Thành Hưng cũng cho biết, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm như: các TCVN về các sản phẩm thực phẩm trong đó có đề cập giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm…) hoặc quy định, viện dẫn nội dung liên quan an toàn thực phẩm. Cùng với đó, còn có các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về hướng dẫn và quy phạm thực hành vệ sinh trong sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm, các quy phạm nhằm giảm thiểu các mối nguy an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về phương pháp phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kể cả thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ…

Trên các sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng có thể nhận thấy các tiêu chuẩn được in trên bao bì như HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) hay ISO 22000 (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).

HACCP bắt nguồn từ Hoa Kỳ những năm 1960, đến năm 1969 được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex biện soạn thành tiêu chuẩn quốc tế. Phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn này là phiên bản 2020, với tên gọi “Những nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm”. Trên cơ sở HACCP của Codex, năm 2005 Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) biên soạn thành tiêu chuẩn ISO 22000.

Ông Lê Thành Hưng cho biết, nếu như HACCP tập trung vào các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm thì ISO 22000 xem xét các quá trình sản xuất, kinh doanh và yêu cầu phân tích cơ cấu tổ chức của cơ sở sản xuất thực phẩm. Tính đến năm 2021, cả thế giới hiện có 36.000 giấy chứng nhận ISO 22000 đang có hiệu lực.


Áp dụng tiêu chuẩn để thực phẩm sạch hơn. Ảnh minh hoạ

Tại nước ta, hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP. Điều này giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát tốt các mối nguy về an toàn thực phẩm, từ đó mang lại lợi ích đối với cả người tiêu dùng cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý.

Tháng 4/2023, Bộ KH-CN đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Đây là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

TCVN vừa được công bố bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục, khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này còn yêu cầu nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên tại cơ sở sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quy định kiểm soát mối nguy về chất gây dị ứng…..

Cũng theo ông Hưng, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng TCVN về an toàn thực phẩm theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Một số nhóm sản phẩm thực phẩm chưa được tiêu chuẩn hóa (yến sào) hoặc đã có tiêu chuẩn nhưng cần sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới, tiêu chuẩn đối với sản phẩm nông sản thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP... sẽ được xây dựng TCVN. Các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và xác thực nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm như rau quả tươi, sữa và sản phẩm sữa, mật ong... cũng sẽ được nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó, cũng sẽ thực hiện xây dựng các tiêu chuẩn về phương pháp phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như vi sinh vật, độc tố vi nấm… trong một số nhóm thực phẩm cụ thể nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố về an toàn thực phẩm”.

https://khcncongthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 649
Tổng lượt truy cập: 3.973.265
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!