Trồng và sơ chế rong biển hữu cơ theo TCVN 11041-10:2023: Giảm thiểu tác hại môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm
Việc trồng và sơ chế rong biển hữu cơ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023 chính là yếu tố mang lại nhiều hiệu quả cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.
Theo nhận định của Chương trình Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), thủy hải sản, bao gồm rong và tảo biển chính là nguồn dinh dưỡng quý và sẽ ngày càng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Đáng chú ý là với những phương pháp canh tác bền vững có thể tăng sản lượng rong biển mà không gây hại cho môi trường biển. Nghiên cứu khoa học chứng minh rong biển sẽ là một nguồn vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và protein của tương lai nên đây chính là lý do để các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đưa nó vào lộ trình xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững.
Không những thế, các trang trại rong biển còn góp phần cô lập carbon, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rong tảo biển trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào lượng đậu nành nhập khẩu, góp phần vào cuộc chiến chống phá rừng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, việc làm và kinh tế sinh học ở các khu vực ven biển.
Còn tại Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở Việt Nam vào khoảng 900 ngàn ha (tương đương với sản lượng 600–700 ngàn tấn khô/năm) nhưng việc trồng rong ở nước ta còn rất sơ khai, nhiều năm diện tích trồng rong không có đột phá, hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó, do hiện nay người dân trồng ồ ạt, chất lượng đầu ra của sản phẩm cũng không được tuyển chọn kỹ, nguy cơ làm mất thương hiệu rong biển trong tương lai.
Trong khi đó việc nuôi trồng rong biển có thể gây ra một số vấn đề môi trường nếu không được quản lý tốt. Đôi khi những người nông dân trồng rong biển chặt phá rừng ngập mặn để sử dụng làm cọc cho dây thừng của họ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác vì nó làm giảm chất lượng nước và làm giảm đa dạng sinh học rừng ngập mặn. Người nuôi trồng cũng có thể loại bỏ cỏ lươn khỏi khu vực nuôi của họ.
Tuy nhiên, điều này cũng không được khuyến khích vì nó ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. Từ thực tế này hướng phát triển rong biển hữu cơ là một trong những giải pháp hạn chế được những tác động xấu tới môi trường, cải thiện được chất lượng rong biển trước khi lưu thông ra thị trường.
Cũng giống như các sản phẩm hàng hóa khác, khi trồng, chế biến rong biển cũng cần phải đáp ứng được những yêu cầu cần thiết. Theo đó, việc áp dụng trồng và sơ chế rong biển hữu cơ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023 chính là yếu tố mang lại nhiều hiệu quả cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa tác hại tới môi trường.
Theo khoản 3.1 Điều 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023 thì rong biển hữu cơ là rong biển được khai thác tự nhiên hoặc thu hoạch từ quá trình trồng theo phương thức hữu cơ. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc khai thác tự nhiên và trồng rong biển theo phương pháp hữu cơ, thu hoạch, sơ chế, bảo quản rong biển hữu cơ.
Theo quy định tại khoản 5.1 Điều 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023 thì tại khu vực trồng rong biển hữu cơ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa ô nhiễm bởi các chất không có nguồn gốc tự nhiên.
Theo đó thời gian chuyển đổi đối với một đơn vị trồng rong biển là 6 tháng, nếu chu kỳ sản xuất không lớn hơn sáu tháng; một chu kỳ sản xuất, nếu chu kỳ sản xuất đó lớn hơn sáu tháng. Việc sản xuất song song được phép trong một cơ sở, nhưng không thực hiện trong cùng một đơn vị sản xuất. Đơn vị sản xuất phải được tách biệt rõ ràng với các đơn vị nuôi trồng thủy sản khác và khu vực khai thác không phù hợp với tiêu chuẩn này.
Về vật liệu, Tiêu chuẩn trên cũng quy định, trường hợp nếu không sẵn có vật liệu nhân giống hữu cơ thì có thể sử dụng vật liệu nhân giống khai thác từ các vùng biển tự nhiên. Nếu không sẵn có vật liệu nhân giống thì có thể sử dụng vật liệu nhân giống được xử lý bằng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Không được sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp trên vật liệu nhân giống rong biển.
Trong quá trình trồng rong biển, không được sử dụng các chất cung cấp dinh dưỡng (nitơ, phospho v.v...); chỉ được sử dụng các chất dinh dưỡng có tự nhiên trong môi trường hoặc từ nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tốt nhất là ở gần đó như một phần của hệ thống nuôi ghép. Chỉ được kiểm soát sinh vật gây hại bằng cách sử dụng biện pháp kiểm soát môi trường trồng rong biển, biện pháp vật lý, biện pháp sinh học hoặc kết hợp các biện pháp nêu trên.
Tại khu vực trồng rong biển, nếu không thể kiểm soát sinh vật gây hại một cách hiệu quả có thể sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Đối với mỗi cơ sở trồng rong biển, phải xác định mật độ rong tối đa có thể được kiểm soát mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cơ sở chỉ được nuôi rong biển với mật độ không vượt quá mật độ rong tối đa xác định theo quy định của Tiêu chuẩn này. Tại cơ sở trồng rong biển mới, với sản lượng 20 tấn rong trở lên mỗi năm, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường do ảnh hưởng của việc trồng rong.
Chỉ được loại bỏ các sinh vật gây ô nhiễm sinh học bằng các biện pháp vật lý hoặc biện pháp thủ công và đưa ra ngoài khu vực kiểm soát của cơ sở, nếu cần. Dây và các thiết bị khác được sử dụng để trồng rong biển phải được tái sử dụng hoặc tái chế, nếu có thể. Theo đó, việc trồng rong biển hữu cơ phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại khoản 5.1 Điều 5 nêu trên.
Yêu cầu đối với việc sơ chế rong biển hữu cơ được quy định tại khoản 5.3 Điều 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023. Trong quá trình sơ chế, chế biến, phải duy trì sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm hữu cơ với sản phẩm không hữu cơ.
Việc sơ chế, chế biến rong biển (ví dụ: phân loại, rửa, làm khô, ướp muối v.v...) chỉ được thực hiện bằng biện pháp vật lý hoặc các biện pháp sử dụng chức năng của cơ thể sống; có thể sử dụng nước và muối.
Việc làm sạch thiết bị và phương tiện sơ chế, chế biến; kiểm soát sinh vật gây hại trong quá trình sơ chế, chế biến và việc duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm sơ chế, chế biến chỉ được thực bằng biện pháp vật lý hoặc các biện pháp sử hiện dụng chức năng của cơ thể sống. Tuy nhiên, nếu các biện pháp nêu trên không thể kiểm soát sinh vật gây hại trong quá trình sơ chế, chế biến rong biển thì có thể sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Không được sử dụng công nghệ chiếu xạ để kiểm soát sinh vật gây hại, vệ sinh và bảo quản sản phẩm rong biển.
https://vietq.vn/