Tiêu chuẩn hệ thống quản lý bổ sung yêu cầu liên quan đến biến đổi khí hậu
Từ ngày 23/02/2024 tất cả các tiêu chuẩn hệ thống quản lý (MSS) của ISO đồng loạt bổ sung yêu cầu liên quan đến biến đổi khí hậu. Cụ thể là tại 02 điểm: bổ sung vào cuối Điều 4.1 nội dung “Tổ chức phải xác định liệu biến đổi khí hậu có phải là một vấn đề liên quan hay không” và bổ sung Chú thích tại Điều 4.2 “Các bên quan tâm liên quan có thể có các yêu cầu liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Quyết định được ISO thông qua theo kết quả những cuộc thảo luận kéo dài suốt 2 năm tại Ban quản lý kỹ thuật (Technical Management Board – TMB) và Nhóm công tác điều phối kỹ thuật hỗn hợp (JTCG) về các hệ thống quản lý. Theo đề xuất của JTCG, TMB đã họp tại Brisbane (Australia) trong khuôn khổ các sự kiện của Đại hội đồng ISO 2023 và ra nghị quyết (Nghị quyết của TMB số 73/2023) về việc sửa đổi Phụ lục 2 Cấu trúc hài hòa (Annex SL) cho các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý của ISO. Theo đó, Phụ lục 2 được bổ sung 2 câu tại Điều 4.1 và Điều 4.2 (Chú thích) để đưa biến đổi khí hậu thành nội dung của tất cả tiêu chuẩn hệ thống quản lý. Như vậy từ tháng 02/2024, tất cả tiêu chuẩn hệ thống quản lý xây dựng mới hoặc sửa đổi sẽ thêm nội dung này trong tiêu chuẩn, còn các tiêu chuẩn hiện hành thì ban hành bản Sửa đổi để cập nhật.
Bước đi cụ thể thực hiện Tuyên bố London
Diễn ra và tháng 9 năm 2021 tại London, ngay trước cuộc họp COP 26, nơi các nước ra tuyên bố về cam kết thực hiện phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, Đại hội đồng ISO đã ra tuyên bố về cam kết của ISO trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (Tuyên bố London – London Declaration). Xuất phát từ thực tế là tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế toàn cầu, tạo niềm tin trên mọi khía cạnh của thương mại quốc tế.
ISO có một số tiêu chuẩn cần thiết trong việc hỗ trợ chương trình nghị sự về khí hậu; chúng giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, định lượng lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phổ biến các thực hành tốt trong quản lý môi trường. Khoa học rất rõ ràng: nhu cầu về các biện pháp khẩn cấp để giảm khí thải và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn.
Nếu không có Tiêu chuẩn quốc tế cập nhật, ngành và các bên liên quan khác sẽ không thể đạt được những gì cần thiết. ISO cam kết hợp tác với thành viên, các bên liên quan và đối tác của mình để đảm bảo rằng các Tiêu chuẩn và ấn phẩm quốc tế đẩy nhanh việc đạt được thành công Thỏa thuận Paris, Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Lời kêu gọi hành động về thích ứng và khả năng phục hồi của Liên hợp quốc.
Theo cam kết, một mặt, ISO sẽ thúc đẩy việc gắn các kết quả nghiên cứu về khoa học khí hậu và các chuyển đổi liên quan trong việc phát triển tất cả tiêu chuẩn và ấn phẩm của ISO, mặt khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của xã hội và những người dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trong việc xây dựng các tiêu chuẩn. Đồng thời ISO sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động và Khung đo lường thể hiện chi tiết các hành động và sáng kiến cụ thể cũng như cơ chế báo cáo để theo dõi tiến độ.
Bên cạnh việc xây dựng và sửa đổi tiêu chuẩn liên quan trực tiếp tới biến đổi khí hậu, kiểm soát khí nhà kính như bộ tiêu chuẩn ISO 14060 về kiểm kê, thẩm định khí nhà kính, vết carbon, trung hòa carcon..., bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14000, quản lý năng lượng ISO 50001, tiêu chuẩn về dấu vết nước ISO 14046... các thành viên ISO thống nhất rằng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý của ISO đều có thể hỗ trợ việc thúc đẩy nhận thức và hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc đưa các yêu cầu về xem xét biến đổi khí hậu vào các tiêu chuẩn hệ thống quản lý là thích hợp.
Tác động đối với tổ chức áp dụng các hệ thống quản lý
Đối với các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 27001... việc xác định vấn đề có liên quan đến phạm vi và mục đích hoạt động của mình không phải yêu cầu mới. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã coi biến đổi khí hậu là vấn đề phải thường xuyên xem xét và đã có những hành động cụ thể, chẳng hạn như thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho hoạt động và các định dấu vết carbon cho sản phẩm của mình. Ngày nay, khi cả thế giới đã có những cam kết và lộ trình cụ thể cho việc đạt được phát thải ròng (netZero), vấn đề kiểm soát khí nhà kính có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và vòng đới sản phẩm đã và đang thành vấn đề thời sự đối với rất nhiều ngành, lĩnh vực.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng từ 3.000 tấn CO2 tương đương một năm phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Đối với Châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro vào thị trường này từ 01/10/2023 phải khai báo mức phát thải khí nhà kính của sản phẩm theo Cơ chế điều chỉnh carbon ở biên giới (CBAM). Từ 2025 phải khai báo theo phương pháp của EU. Từ 2026, EU sẽ áp hạn ngạch phát thải cho các sản phẩm nhập khẩu và doanh nghiệp sẽ phải nộp “thuế” phát thải nếu mức phát thải cao hơn hạn ngạch. Các nước như Mỹ, Anh... cũng sẽ ban hành các cơ chế tương tự.
Do vậy, đã có rất nhiều căn cứ về mặt pháp lý hoặc thị trường liên quan đến các biện pháp giảm tác động của biến đổi khí hậu. Việc các tổ chức sớm xem xét tới các yếu tố đó và có biện pháp thích ứng sẽ giúp đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính tổ chức.
Do tính chất thời sự và phổ biến của vấn đề biến đổi khí hậu nên các thành viên ISO thống nhất rằng các thay đổi của tiêu chuẩn được áp dụng ngay lập tức, nghĩa là không cần giai đoạn chuyển tiếp. Các tổ chức áp dụng một hay nhiều hệ thống quản lý nên đưa nội dung này vào kỳ xem xét gần nhất và phản ảnh chúng một cách thích hợp, chẳng hạn như việc điều chỉnh chính sách, mục tiêu hoặc kế hoạch hành động. Theo ông Nigel Croft, Chủ tịch Nhóm công tác điều phối kỹ thuật hỗn hợp (JTCG), các tiêu chuẩn hệ thống quản lý sẽ có bản sửa đổi, tuy nhiên điều này không dẫn tới việc các tổ chức đã được chứng nhận phải được cấp lại giấy chứng nhận.
https://vietq.vn/