Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 19-07-2021

Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(1). Đảng ta cũng có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(2).       

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(3).  Bên cạnh đó, có nhiều điểm mới về vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”(4). Trong phòng chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”(5).  

THỰC TIỄN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thực hiện đường lối, chủ trương về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, trong những năm qua, công tác này đã đạt được những thành quả to lớn như ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Để phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác đã thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thực hiện các biện pháp về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đổi mới khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng.

Khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có: 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang.

Các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32,04%.

Từ năm 2016 đến năm 2020, đã kỷ luật 87.000 đảng viên trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có "lỗ hổng", nhưng chưa được sửa đổi bổ sung; hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.

Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hành vi “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để.

Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 

Để thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó:

(1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

(2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Các cấp ủy quản lý chặt chẽ đảng viên, cán bộ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(3) Ủy ban Kiểm tra các cấp cần làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, các tổ chức đảng và đảng viên ở các cơ quan nhà nước. Tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Cơ quan kiểm tra của Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(1) Hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng.

Cần tiếp tục sửa đổi để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người biết. Cần quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, để từ đó hạn chế sự tham nhũng.

Cần quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cần có các cơ quan, tổ chức chuyên trách quản lý, xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập xem có đúng không, có trung thực, chính xác không. Đặc biệt, cần quy định một cơ chế hữu hiệu theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng.

Hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng.

(2) Hoàn thiện pháp luật hình sự

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Thực chất, hình sự hóa hành vi này là đảo ngược trách nhiệm chứng minh; nghĩa là trách nhiệm chứng minh tài sản có bất minh hay không được chuyển từ các cơ quan tố tụng sang người nắm giữ tài sản.

Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

(1) Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

(2) Tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phát huy cơ chế này trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Trong đó, Đảng và Nhà nước cần tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(3) Hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi nếu quyền lực nhà nước được kiểm soát thì sẽ hạn chế được tham nhũng.

Thứ tư, xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập để điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng.

Cần thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách do Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước là người đứng đầu. Ban hành cơ chế, tổ chức hoạt động để cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Những người làm việc trong các cơ quan này phải có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp sâu trong nhiều lĩnh vực, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy hiểm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật riêng để cơ quan này thực hiện chức năng nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhanh chóng kịp thời, có hiệu quả.

Thứ năm, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng. Đối với các vụ án tham nhũng cần xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai, với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để đối với các hành vi tham nhũng dù người đó là ai, giữ bất cứ cương vị gì cũng phải xử lý. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”.

Thứ sáu, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đây được xem là một phương án phòng, chống hữu hiệu đối với nạn tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”. Bởi một trong những nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng tham nhũng, đó là chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản thiết yếu.

Thứ bảy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng, bảo vệ đối với những cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có chế độ khen thưởng xứng đáng, đề bạt kịp thời những cán bộ, công chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần sớm có cơ chế bảo vệ đối với những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như gia đình họ.

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 


(1) (2) (3) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 2, tr.145, 146, 146, 146, 250.

http://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 236
Tổng lượt truy cập: 4.056.457
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!