Hướng Hóa triển khai thành công nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa đã chú trọng lãnh đạo, định hướng, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Sản phẩm chuối ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng - Ảnh: N.V
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, hơn 5 năm trở lại đây, bằng các nguồn ngân sách của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ và nguồn vốn tín dụng của các hội, đoàn thể, huyện Hướng Hóa đã thực hiện thành công mô hình trồng và chăm sóc cây chuối mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, xã Tân Long và xã Thanh đã trồng được 20 ha với 25 hộ tham gia. Sau hơn 1 năm thực hiện, vườn chuối phát triển tốt, năm đầu tiên năng suất đạt 8,5 tấn/ha, lợi nhuận hơn 21 triệu đồng/ha, các năm tiếp theo cho lợi nhuận trên 35 triệu đồng/ ha.
Mô hình trồng cây chanh leo liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc được triển khai năm 2018 từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trồng 12 ha ở các xã: Tân Lập, Tân Liên, Hướng Phùng.
Đến nay, cây chanh leo đã phát triển ra nhiều xã, lên đến hơn 100 ha, trong đó có 17 ha liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc. So với các loại cây trồng khác, cây chanh leo cho thu nhập cao hơn, thu nhập bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha, lãi hơn 76 triệu đồng/ha.
Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang cấp mã số vùng trồng cho 80 ha chanh leo tại xã Hướng Phùng để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Về mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới, đến nay toàn huyện đã tái canh hơn 600 ha, đạt 75% kế hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 1,5 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 550 triệu đồng, còn lại là ngân sách huyện.
Vườn cà phê tái canh cho năng suất cao hơn các vườn cây cũ từ 1,2- 1,5 lần. Hiện nay, một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đang thực hiện liên kết với người dân để phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản với diện tích 160 ha tại xã Hướng Phùng.
Năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã liên kết với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ OBi-Ong Biển để cải tạo vườn cà phê già cỗi liên kết theo chuỗi giá trị tại 2 xã Hướng Tân và Hướng Phùng với diện tích 9 ha cà phê từ 8- 10 năm tuổi, có 13 hộ tham gia. Nhờ bón phân OBI-Ong Biển, cây sinh trưởng tốt, cho sản phẩm sạch, an toàn, giá sản phẩm cao hơn so với sản phẩm khác.
Để thực hiện Đề án hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, huyện Hướng Hóa đã phân bổ 1.045 triệu đồng để trồng mới 191 ha cao su cho 161 hộ ở các xã trên địa bàn huyện.
Đến nay, cây cao su phát triển tốt, tạo việc làm cho người dân, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái. Với giá mủ như hiện nay, doanh thu đạt 6 -10 triệu đồng/ha trong năm đầu tiên, các năm sau sẽ cao hơn.
Hiện nay, bên cạnh việc chuyển đổi sang cây trồng khác, đối với diện tích canh tác ổn định, huyện Hướng Hóa đang phối hợp với Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thực hiện mô hình thâm canh cây sắn, trồng xen các giống cây họ đậu với cây sắn để tăng thu nhập và cải tạo đất.
Đối với Dự án “Trồng và phát triển cây mắc ca tại huyện Hướng Hóa” thực hiện từ cuối năm 2014 đến nay do Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh triển khai đã trồng được 532 ha, trong đó có 90 ha trồng từ năm 2015 - 2016 đến nay đã ra hoa đậu quả, sản lượng thu hoạch dự kiến năm 2022 là 3.000 kg quả và 300 ha năm 2023 bắt đầu ra bói.
Cây mắc ca sau 3 năm tuổi đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, một số hộ ở xã Hướng Phùng, Hướng Tân trồng thử nghiệm cây mắc ca từ năm 2013 - 2014 trong vườn cà phê, đến nay cây phát triển tốt. Năm 2022, sản lượng thu bói khoảng 100- 150 kg/ha, với giá 250.000 đồng/ kg, người dân thu về 25 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng cây sa nhân tím làm dược liệu dưới tán rừng phục hồi trên diện tích 10 ha tại thôn Ruộng, xã Hướng Tân và thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng với số vốn đầu tư 210 triệu đồng do 11 hộ thực hiện. Đến nay, mô hình này đem lại hiệu quả về sử dụng đất, tận dụng được đất trống trong rừng.
Ngoài hiệu quả kinh tế, cây trồng này góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng, chống rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng. Hiện tại, cây sa nhân tím sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt 92%, chiều cao cây 70 cm.
Huyện Hướng Hóa cũng đang nhân rộng và xây dựng một số mô hình trồng cây lâm nghiệp bản địa như trẩu, lõi thọ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và phát triển trồng rừng gỗ lớn. Nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu như ba kích, sâm Bố Chính, cà gai leo, đinh lăng, đàn hương tại nhiều xã với diện tích 50 ha.
Việc đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu gắn với bảo tồn, phát triển các giống, nguồn gen dược liệu bản địa. Cùng với phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, huyện Hướng Hóa còn đẩy mạnh phát triển các mô hình như trồng cỏ nuôi bò bán thâm canh, chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn an toàn sinh học, nuôi hươu lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Quang Thuận cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, huyện Hướng Hóa tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng và nâng tổng đàn các loại vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, huyện xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích 160 ha tại xã Hướng Phùng. Thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cao su, cây ăn quả ở các xã vùng Lìa với diện tích khoảng 300 ha. Nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo gắn với liên doanh, liên kết theo hướng xuất khẩu.
Đầu tư, phát triển diện tích các loại hoa cây cảnh, rau an toàn và cây ăn quả đặc sản như bơ, mít Thái, sầu riêng, chuối tiêu hồng. Nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca xen canh với cây cà phê đối với những địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cũng như đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi hiện có và một số mô hình chăn nuôi mới…
https://baoquangtri.vn/