Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tức nổi bật

Ngày đăng: 19-06-2023

Việt Nam thăng hạng về chỉ số tự do kinh tế

Quỹ The Heritage Foundation, một think-tank nổi tiếng tại Mỹ, vừa công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) năm 2023.

Với 61,8 điểm – tăng 1,2 điểm so với năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 72 trên tổng số 184 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nền kinh tế tương đối tự do (moderately free). Vị trí của Việt Nam tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng khá ấn tượng khi đứng thứ 14/39, xếp trên Thái Lan (hạng 80), Philippines (hạng 89), Ấn Độ (hạng 131), Trung Quốc (hạng 154),…

.

Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế đã được công bố 28 năm liên tiếp.

Khái niệm tự do kinh tế được Milton Friedman (1912 – 2006, Nobel 1976) và Michael Walker đề xuất lần đầu thông qua một loạt hội thảo trong giai đoạn 1986 – 1994. Sau đó, Quỹ The Heritage Foundation và Tạp chí The Wall Street Journal đã phát triển nó thành một chỉ số hoàn chỉnh và công bố hàng năm kể từ 1995. Tự do kinh tế có thể được định nghĩa là quyền cơ bản của các cá nhân trong việc sử dụng sức lao động và tài sản của chính họ. Trong những nền kinh tế tự do, cá nhân được làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách mà họ muốn; và ngược lại, chính phủ cũng cho phép hàng hóa, lao động và vốn được tự do lưu thông thay vì giới hạn, cấm đoán hoặc chèn ép, ngoại trừ việc áp dụng những can thiệp tối thiểu cần thiết để bảo vệ và duy trì sự tự do đó (VD: xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí để bảo vệ lãnh thổ,…)

Chỉ số tự do kinh tế được xây dựng dựa trên 12 tiêu chí, chia thành 4 nhóm với dữ liệu thu thập từ các tổ chức uy tín như World Bank, IMF, Economist Intelligence Unit (UIU), Transparency International (TI),... Bốn nhóm này bao gồm:

  • Pháp trị (rule of law): quyền sở hữu tài sản, hiệu quả tư pháp, chính quyền liêm chính.
  • Quy mô chính quyền (size of government): gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính, chi tiêu chính phủ.
  • Hiệu quả điều tiết (regulatory efficiency): tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do kinh doanh.
  • Thị trường mở (open market): tự do tài chính, tự do thương mại, tự do đầu tư.

Trên thang điểm 0 – 100, các nền kinh tế đạt tổng từ 80 điểm trở lên sẽ được xếp vào nhóm hoàn toàn tự do (completely free); 70 - 79,9: rất tự do (mostly free); 60 - 69,9: tương đối tự do (moderately free); 50 – 59,9: kém tự do (mostly unfree); 0 - 49,9: không tự do hoặc bị kìm hãm (repressed).

Singapore lần thứ tư liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng này (soán ngôi Hongkong)1 với 83,9 điểm. Đài Loan, một đại diện khác của châu Á cũng đạt được vị trí hết sức ấn tượng (hạng 4) với 80,7 điểm. Các nền kinh tế khác hiện diện trong top 10 là: Thụy Sĩ, Ireland, New Zealand, Estonia, Luxembourg, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển. Tuy nhiên, chỉ có Singapore, Thụy Sĩ, Ireland và Đài Loan là bốn nền kinh tế duy nhất đạt trên 80 điểm. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được xếp hạng rất cao (thứ 15) với 73,7 điểm; Mỹ thứ 25 (70,6 điểm); Nhật Bản thứ 31 (69,3 điểm); Malaysia thứ 42 (67,3 điểm); Indonesia thứ 60 (63,5 điểm),...

.

Singapore và Đài Loan là hai đại diện của khu vực châu Á Thái Bình Dương góp mặt trong 10 nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Mặc dù không thật sự hoàn hảo nhưng bảng xếp hạng này đã phản ánh khá đúng một thực tế: những quốc gia và vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất thế giới cũng thường đạt được mức độ tự do kinh tế rất cao – trái ngược với các khu vực nghèo đói.

.

Việt Nam có vị trí khá cao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, xếp trên nhiều đối thủ như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, ...

Trong phần về Việt Nam, The Heritage Foundation nhận định đây là nền kinh tế đang rất tích cực hội nhập sâu vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, với một thị trường ngày càng phát triển theo hướng mở. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực thực hiện một số cải cách như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kiện toàn quy tắc thương mại, tăng cường công nhận quyền sở hữu tài sản,... Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điểm nghẽn và thiếu sót về mặt thể chế có thể sẽ kìm hãm triển vọng phát triển đột phá dài hạn của Việt Nam, vì thế đất nước này cần tiếp tục thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa để sớm ra nhập hàng ngũ các quốc gia thinh vượng nhất thế giới.

Chú thích:

1. Trước đây, Hongkong luôn được xếp hạng là nền kinh tế tự do nhất thế giới trong suốt 24 năm. Nhưng kể từ năm 2021, Heritage Foundation đã không còn liệt Hongkong là một nền kinh tế độc lập nữa, mà tính chung vào chỉ số xếp hạng của Trung Quốc.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1266
Tổng lượt truy cập: 3.609.268
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!