Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 15-02-2022

Chuyển đổi hiệu quả cây trồng, con nuôi trên vùng cát

Có thể nhận thấy mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu nhân rộng trên cây mướp đắng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với 40 hộ dân tham gia là bước đột phá mạnh mẽ giúp nông dân vùng cát tìm kiếm, định hình được loại cây trồng trên vùng đất hoang hóa, bạc màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 7 ha ban đầu khẳng định được hiệu quả và sự phù hợp của cây mướp đắng trên vùng cát xã Gio Mỹ, hiện nay diện tích mướp đắng hằng năm của xã Gio Mỹ đã lên 20 ha. Hiệu quả kinh tế của cây mướp đắng đã giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Hiện nay trên địa bàn các xã vùng cát của huyện Gio Linh ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Các mô hình chuyển đổi sinh kế tiếp tục được mở rộng cho năng suất cao như nuôi tôm hai giai đoạn đạt 25 - 30 tấn/ha, nuôi xen ghép tôm - cua - cá ít dịch bệnh cho thu nhập ổn định 80 -100 triệu đồng/ha, nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Enzim; nuôi cá lồng trên sông; mô hình nuôi yến cho thu nhập cao. 

Ở xã Trung Giang, anh Hoàng Văn Minh đã tận dụng lợi thế diện tích mặt nước để đầu tư trên 400 triệu đồng thả nuôi 6.000 con tôm hùm giống và 5.000 con cá nâu thương phẩm. Nhờ nguồn giống có chất lượng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc nên tôm và cá đều sinh trưởng tốt. Mô hình nuôi tôm hùm và cá nâu thương phẩm của anh Minh đang được nhiều hộ nông dân quan tâm, tìm hiểu. Tận dụng kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Trung Giang đã hỗ trợ giống cây lạc, phân bón và mô hình trồng cây ném trên đất cát cho nông dân. Dự án hỗ trợ mô hình trồng ném của xã Trung Giang được triển khai ở ba thôn Hà Lợi Trung, Cang Gián và Thủy Bạn với 30 hộ gia đình tham gia. Sau khi trồng thử nghiệm, cây ném đã cho hiệu quả vượt trội so với các loại cây trồng khác, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Hiện nay ở xã Trung Giang có 3 ha đất trồng ném với sản lượng đạt 6 tấn/vụ. 

Để giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, huyện Gio Linh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp về phát triển cây trồng, con nuôi phù hợp. Theo đó, UBND huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất phát triển nông nghiệp ở các xã vùng cát. Bên cạnh việc tiến hành quy hoạch đất sản xuất, huyện đã hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng các mô hình kinh tế trên vùng cát, góp phần chuyển đổi sinh kế cho người dân. Việc xây dựng các mô hình đã được khảo sát thực tế, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và thị trường tiêu thụ nên bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, huyện đã xây dựng được 30 mô hình sản xuất để chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân vùng cát ven biển với tổng số tiền hỗ trợ trên 1,5 tỉ đồng. 

Để thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng cát và vùng ven biển của huyện Triệu Phong, nông dân xã Triệu Vân đã đưa vào sản xuất hơn 138 ha lúa chống chịu tốt với biến đổi khí hậu như HT1, HN6, HC95, Thiên Ưu 8, Khang Dân, năng suất bình đạt trên 40 tạ/ha. Duy trì giống khoai lang địa phương với diện tích hơn 50 ha. Đưa vào canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như mướp đắng, dưa gang, ném kiệu, mở rộng diện tích cây đậu đen xanh lòng lên 64,5 ha, năng suất đạt 8 tạ/ha. Đây là sản phẩm đặc trưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. 

Bên cạnh đó, xã Triệu Vân còn xây dựng 25 mô hình nuôi lợn quy mô từ 50 - 300 con, 8 mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 3 mô hình về nuôi vịt biển an toàn sinh học. Toàn xã Triệu Vân hiện có 9 trang trại và 37 gia trại chăn nuôi tổng hợp; 41 ha nuôi tôm thẻ chân trắng…mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. 

Thực tế cho thấy nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng vùng cát, với sự hỗ trợ về kiến thức, kinh phí của tỉnh, huyện, nhiều địa phương đã mạnh dạn mở rộng các mô hình như trồng lạc phủ bạt, các loại cây ngắn ngày cho năng suất cao như mướp đắng, bầu bí, dưa, ném; phát triển trang trại chăn nuôi hiệu quả. 

Tuy nhiên, để các mô hình này được duy trì và nhân rộng cần có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời quy hoạch để phát triển loại cây trồng này thay thế một số cây trồng kém hiệu quả. Tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế vùng cát, ưu tiên tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp sạch. Qua đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất chuyển đổi sinh kế có hiệu quả để giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng cát ven biển.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 730
Tổng lượt truy cập: 2.913.075
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.