Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 16-06-2022

Có một vụ lúa hữu cơ thắng lũ, thắng lớn

Nghiêng đồng đổ nước ra sông

Ngày 17/1/2022, chúng tôi về HTX Kim Long. Thời điểm này, trên vùng đồng Hải Quế, vóc dáng về một quy trình sản xuất cây lúa theo cách thức hiện đại, hữu cơ đã thấy rõ mồn một. Trên trời, máy bay không người lái lượn theo từng vệt, phun chế phẩm sinh học xuống đồng ruộng. Dưới ruộng nẫy, những chiếc máy cấy cần mẫn theo chân người cắm từng dãnh mạ xuống, ngay hàng thẳng lối. Xa kia, những chiếc máy làm đất quần thảo trên những thửa ruộng sâu, xốc vác làm đất cho kịp xuống vụ.

Cán bộ kỹ thuật Sepon Group cho biết, sở dĩ chọn Kim Long để triển khai dự án là vì khu vực sản xuất lúa nơi đây có vùng đệm đảm bảo, cách ly và tránh tiếp xúc với các yếu tố có hại từ canh tác thông thường. Lúa hữu cơ là lúa được canh tác trên ruộng đạt chuẩn như xa nguồn ô nhiễm, nước một chiều, tù đọng… dưới sự giám sát của đơn vị tư vấn Peterson với hơn 100 năm kinh nghiệm, là đơn vị tư vấn cho Sepon Group.

Đất, nước được kiểm soát các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn. Sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nhằm giữ độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Với những yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình canh tác, sẽ cho ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Vụ đông xuân này, lúa cấy khá thưa, cây cách cây 10 cm, hàng cách hàng 30 cm, cấy theo hướng chiếu của mặt trời, mục đích là để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời thì bông lúa sẽ căng mẩy, đầy đặn hơn…

Sepon Group đã áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới bằng việc hướng dẫn kỹ thuật và giám sát đồng ruộng trong suốt quá trình sản xuất với công nghệ cấy máy đáp ứng công suất nhanh gấp 10 -15 lần và giảm chi phí 60 -70% so với cấy tay; sử dụng phân hữu cơ chất lượng cao và sử dụng máy bón phân để giảm sức lao động cho nông dân; sản xuất vi sinh vật bản địa và các chế phẩm sinh học để bảo vệ, chăm sóc cây lúa.

Bên cạnh đó, công ty tiến hành phun chế phẩm sinh học cho lúa bằng máy bay không người lái nhằm giảm chi phí cho nông dân, bảo vệ cây lúa khỏi phải bị dẫm làm cho hư hại. Kinh tế tuần hoàn khi trồng lúa hữu cơ cũng đã được thể hiện sinh động với việc áp dụng công nghệ máy cuộn rơm có ủ mật mía ngay tại ruộng để tận thu cho bà con sau thu hoạch, bảo vệ đất canh tác và giảm ô nhiễm môi trường. Rơm ủ mật mía ngay tại ruộng để cho bò ăn, trấu làm đệm lót sinh học cho gà, sau đó thu phân gà làm phân hữu cơ bón cho lúa…

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022 đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022 trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường, chưa từng xảy ra trong nhiều năm gần đây và diễn ra trong thời điểm các loại cây trồng vụ sản xuất đông xuân đang hình thành năng suất, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh mất trắng hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Toàn bộ diện tích lúa hữu cơ mà Sepon Group triển khai tại HTX Kim Long nằm trọn trong vùng “rốn lũ” thuộc vùng trũng Hải Lăng.

May mắn là cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ban giám đốc các HTX nông nghiệp và bà con nông dân, nhân lực, phương tiện để cứu lúa được huy động tối đa. Nhiều biện pháp be bờ, tập trung máy bơm chống úng, chống ngập đã được triển khai khẩn trương để “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Doanh nghiệp cũng đã vào cuộc tích cực, sát cánh bên bà con nông dân để bảo vệ diện tích lúa nên khi lũ rút, cây lúa cũng còn đủ sức để sinh trưởng tốt. Sức người đã gạt được sức thiên nhiên để giành lấy một mùa vàng bội thu…

Xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ SEPON

Ngày 14/5/2022, chúng tôi về lại vùng ruộng của HTX Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng và chứng kiến một mùa gặt rất sôi động. Trong đời sống thường nhật, không có công việc gì cứ lặp đi lặp lại xuân thu nhị kỳ mà vẫn luôn mang đến rất nhiều sự náo nức, tươi mới như mùa gặt. Trên cánh đồng bao la ngày nào còn ngập chìm trong nước dữ, giờ đã vàng ruộm một màu no ấm. Trên cánh đồng, máy gặt đi trước, máy cuộn rơm phun chế phẩm mật mía theo sau.

Tại vùng lúa hữu cơ của Sepon Group với diện tích trên 17 ha đã đến kỳ thu hoạch, dự kiến năng suất đạt khoảng 65 tạ/ha, nông dân thu về khoảng 60 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 30 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân năm nay, nông dân không chỉ được mùa lúa, mà còn thu hoạch được tôm, cá ngay trên ruộng lúa của mình nhờ môi trường, nguồn nước thanh sạch.

Sau khi gặt xong, lúa đóng bao và rơm cuộn tròn từng khối, chờ xe máy đến chở đi chế biến, bảo quản. Trong làm lúa hữu cơ, Sepon Group đã áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến thu hoạch để đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu thông qua Công ty tư vấn Peterson tư vấn quy trình trồng lúa hữu cơ và các kỹ sư nông nghiệp chuyên môn sâu hỗ trợ người dân sản xuất gạo hữu cơ đáp ứng yêu cầu cao của thị trường trong và ngoài nước theo tiêu chuẩn USDA /EU.

Khi có lúa hữu cơ rồi, lúa phải được sấy khô, bảo quản trong kho lạnh, xay xát đúng chuẩn, gạo được bảo quản trong kho có máy điều hòa không khí…thì gạo đó mới đạt chuẩn gạo hữu cơ. Hiện lúa và gạo của Sepon Group đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia.

Chúng tôi theo một chuyến xe ô tô chở lúa tươi từ cánh đồng đến nhà máy sấy đặt tại thị trấn Hải Lăng. Những cán bộ kỹ thuật ở đây cho biết, lúa khi gặt xong được đưa về máy sấy trong thời gian khoảng 24 giờ. Công suất máy sấy khoảng 200 tấn/ngày đêm, sau đó bảo quản trong kho lạnh và chế biến với công nghệ và thiết bị hiện đại nhất hiện nay để cho ra những hạt gạo có chất lượng đồng đều và đẹp mắt, bảo toàn được những giá trị dinh dưỡng của hạt gạo. Việc sấy còn có tác dụng đảm bảo chất lượng hạt thóc, giảm nấm mốc, tỉ lệ mọc mầm, giữ hương liệu của hạt thóc sau khi xay thành gạo.

Làm được như vậy là do Sepon Group đã đầu tư đồng bộ dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất lúa gạo hữu cơ từ hệ thống nhà kho, kho gạo thành phẩm với tổng lượng tích trữ 1.000 tấn; dây chuyền sấy, xay xát đạt chuẩn Châu Âu công suất 2 tấn/giờ và kết hợp đánh bóng hạt gạo. Toàn bộ hệ thống kho tàng, máy móc thiết bị đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Việt Nam và thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện môi trường. Việc áp dụng những quy trình nghiêm ngặt và máy móc thiết bị hiện đại trong chế biến đã góp phần gia tăng chất lượng gạo, nâng cao giá trị hạt gạo, gián tiếp góp phần giúp nông dân có thêm thu nhập từ những đồng ruộng trồng lúa hữu cơ của Sepon Group.

Hiện gạo hữu cơ 100% organic natural mang nhãn hiệu SEPON của Sepon Group đã có mặt trên thị trường và đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Theo khảo sát, hiện nay lượng khách hàng đánh giá cao và tin dùng sản phẩm gạo SEPON tăng lên từng ngày; đã có hơn 50 hộ gia đình ở các địa phương trong cả nước đăng ký mua gạo SEPON để dùng quanh năm…

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết: Dự kiến đầu ra sản phẩm lúa, gạo hữu cơ SEPON của Sepon Group, trước hết ưu tiên cho người trồng lúa, chiếm 10%, thị trường trong nước chiếm 40% tổng sản lượng, 50% còn lại tập trung cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp đang hướng tới là nước Mỹ, bởi đây được xem là quốc gia đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích lúa hữu cơ lên khoảng 1.000 ha. Đến năm 2030 nâng lên khoảng 3.000 ha lúa hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu để tiến tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, đưa nền nông nghiệp Quảng Trị từng bước vươn ra thị trường thế giới. Ngoài lúa hữu cơ, Sepon Group còn phát triển thêm lúa VietGAP, lúa an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển kinh tế tiêu dùng, “kinh tế xanh” không còn là xu hướng mà là cam kết trên bình diện toàn cầu sẽ tác động đến cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống. Có thể nói, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang triển khai tại Quảng Trị của Sepon Group đã mở ra hướng canh tác hiệu quả và bền vững cho địa phương. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị và cả nước.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1975
Tổng lượt truy cập: 2.883.370
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.