Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 04-05-2022

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững

Nhân rộng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao

 

Trang trại Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh chuyên sản xuất rau củ quả trong nhà kính với hệ thống tưới tự động do chị Trần Thu Trang và những người bạn sáng lập là một điển hình về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Vốn có đam mê, tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao nên đầu năm 2019, nhóm của chị Trang quyết định lên kế hoạch, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, nhân lực để cho ra đời Dfarm Quảng Trị.

 

Tại đây, tất cả quy trình sản xuất đều do các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và các kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản phụ trách. Không chỉ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất mà đặc biệt tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học để cây luôn phát triển tự nhiên, chất lượng sản phẩm tốt.

 

Chị Trang cho biết: “Chúng tôi rất vui vì ngay từ những vụ đầu tiên, dưa lưới Dfarm Quảng Trị luôn đạt độ đồng đều về trọng lượng từ 1,5-1,8 kg/trái, ngọt tự nhiên, thơm, đậm vị đặc trưng của nông sản. Sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, mỗi vụ 10 nhà kính Dfarm Quảng Trị xuất khoảng 10 tấn dưa ra thị trường miền Bắc. Giá trung bình 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá các loại dưa sản xuất truyền thống nhưng dưa lưới Dfarm Quảng Trị vẫn được đối tác, khách hàng ưu tiên lựa chọn. Sau khi trừ chi phí, ước tính 10 nhà kính bước đầu thu lãi 500 triệu đồng/vụ”.

 

Không chỉ riêng trang trại Dfarm Quảng Trị mà nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình, trang trại trên địa bàn như Công ty TNHH MTV Giang Hiền (tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng) hay hộ nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Toàn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) cũng thu về sản phẩm đạt chất lượng cao, ít bị nhiễm bệnh đồng thời giảm bớt được nhân lực và các chi phí không cần thiết mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thông qua các khóa tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để giới thiệu với người dân. Cùng với các chính sách sẵn có của trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

 

Bên cạnh đó, ngành cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương bước đầu xác định quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, nhất là các sản phẩm đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

 

Chú trọng chất lượng, đảm bảo sản xuất bền vững

 

Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế và giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh, bảo vệ môi trường. Người nông dân cũng nhờ đó mà giảm được chi phí nhân công, các tổn thất do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ nhân giống nuôi cấy mô tế bào... cũng tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập từ 1,2-1,5 lần cho người sản xuất, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững.

 

Thay vì chú trọng vào sản lượng như trước, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã và đang ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng của từng sản phẩm nông nghiệp.

 

Qua đó đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe của các thị trường tiềm năng trong xu thế hội nhập. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên được chú trọng phát triển trên các cây trồng chủ lực như lúa hơn 400 ha, cây ăn quả đặc sản hơn 50 ha, hồ tiêu, cà phê, dược liệu hơn 300 ha. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cũng đã hình thành và phát triển trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…trở thành xu thế tất yếu để phát triển bền vững của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân trên địa bàn tỉnh.

 

Có nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tích cực tham gia chương trình OCOP. Toàn tỉnh hiện có 87 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 71 sản phẩm 3 sao, các sản phẩm đã khẳng định được chất lượng và tham gia thị trường sâu rộng hơn, có trên 90% sản phẩm OCOP được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Chính những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.

 

Giám đốc Sở NN và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương chú trọng một số giải pháp như hoàn thiện quy hoạch các vùng/khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương; bổ sung và xây dựng mới các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thí điểm và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh.

 

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trên 60 cơ sở/trang trại chăn nuôi sản xuất theo quy trình chăn nuôi hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao; có 5 cơ sở giết mổ động vật tập trung ứng dụng hệ thống giám sát điện tử, truy xuất nguồn gốc động vật giết mổ và in tem nhãn QR để gắn lên sản phẩm; có ít nhất 70 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; có ít nhất 10 tàu khai thác được trang bị hầm bảo quản và thiết bị dò cá hiện đại; hình thành ít nhất một cơ sở nhân giống lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1718
Tổng lượt truy cập: 2.914.062
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.