Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 19-07-2021

Giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn theo quy định

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết kết quả đạt được của Trung tâm phục vụ hành chính công từ thời điểm đi vào hoạt động đến 6 tháng đầu năm 2021?

 

- Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 234/ QĐ-UBND ngày 28/1/2019 của UBND tỉnh, chính thức hoạt động ngày 1/8/2019. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, có 1.529 thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện tại trung tâm thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành, đơn vị. Trung tâm đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết TTHC tiếp nhận tại trung tâm đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn theo quy định. Từ ngày 1/8/2019 đến ngày 1/7/2021, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các sở, ban, ngành, đơn vị tại trung tâm đã tiếp nhận 58.711 hồ sơ TTHC của tổ chức, cá nhân, trong đó có 21.336 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm tỉ lệ 36%. Kết quả tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn năm 2020 đối với các cơ quan cấp tỉnh là 99,1%; 6 tháng đầu năm 2021 là 99,3%. Các hồ sơ tiếp nhận tại trung tâm đã được số hóa và chuyển xử lý trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Các quá trình giải quyết TTHC đều được công khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh, qua tin nhắn SMS, tin nhắn Zalo tới số điện thoại của tổ chức, cá nhân.

 

Đặc biệt, trung tâm đã triển khai có hiệu quả nguyên tắc “4 tại chỗ” đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội tỉnh (đối với thủ tục cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểu xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế). Trong năm 2020, trung tâm đã tiếp nhận và in phôi thẻ BHXH “tại chỗ” cho hơn 2.000 hồ sơ của người dân đối với thủ tục này.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trung tâm đã triển khai nhiều sáng kiến được Bộ Nội vụ ghi nhận trong Chỉ số Par Index tỉnh Quảng Trị năm 2019, năm 2020. Cụ thể sáng kiến gom quầy giao dịch đối với 9 sở, ban, ngành có số lượng phát sinh hồ sơ thấp. Sáng kiến triển khai thực hiện phát hành biên lai điện tử đối với các hồ sơ có thu phí, lệ phí tại trung tâm, thay thế hoàn toàn biên lai giấy truyền thống. Sáng kiến tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC thông qua mã QR code giúp người dân chủ động, theo dõi tiến độ hồ sơ đã nộp. Sáng kiến quét mã QR code trên thiết bị di động giúp người dân đánh giá mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC.

 

Trung tâm cũng đã triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử trên toàn tỉnh. Với sự cải tiến không ngừng các chức năng để đáp ứng yêu cầu của cán bộ, công chức giải quyết TTHC, đến nay một cửa điện tử đã trở thành hệ thống đồng bộ ở 3 cấp chính quyền: tỉnh, huyện và xã, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý về việc giải quyết TTHC. Trong năm 2020, trung tâm đã thực hiện tích hợp liên thông một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Trung tâm đã triển khai quyết liệt việc rà soát, thực hiện cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. Hiện nay, 100% TTHC được công khai trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, cung cấp 1.254 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.138, đạt tỉ lệ 57%). Tích hợp công khai 241 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo thống kê, từ khi cổng này đi vào hoạt động (9/12/2019) đến thời điểm cuối tháng 6/2021, tỉnh Quảng Trị có hơn 7.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 nộp qua cổng, đứng thứ 3 toàn quốc.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngoài công tác đảm bảo chất lượng trong việc tiếp nhận, trả kết quả, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC tại trung tâm và trên toàn tỉnh, đơn vị đã hoàn thành tích hợp liên thông hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh và dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, người dân khi làm hồ sơ TTHC đất đai có thể chủ động thanh toán trực tuyến tiền thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Nhân rộng mô hình triển khai thu phí, lệ phí tập trung và áp dụng biên lai điện tử cho cấp huyện. Tham mưu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc thanh toán phí, lệ phí bằng mã QR code tại trung tâm.

 

-Trung tâm phục vụ hành chính công ra đời với cơ chế một cửa nhằm nâng cao giải quyết thủ tục hành chính. Ông có thể cho biết thực tế hoạt động trung tâm thường gặp phải những khó khăn nào?

 

-Với cơ chế một cửa nhằm nâng cao giải quyết TTHC, trong thực tế, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh với trung tâm khá nhịp nhàng. Nhờ ứng dụng tốt hệ thống thông tin một cửa điện tử đối với tất cả các cơ quan giải quyết TTHC (bao gồm giải quyết trực tiếp và giải quyết liên thông), trung tâm đã giám sát được chất lượng giải quyết TTHC rất hiệu quả.

 

Tuy nhiên, một số hồ sơ thủ tục hành chính liên thông lên bộ, ngành thường quá hạn trả cho tổ chức, cá nhân. Nguyên nhân do chưa liên thông tích hợp giải quyết TTHC giữa hệ thống địa phương với hệ thống của bộ ngành hoặc bộ, ngành chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung để khai thác. Trong năm 2020, hồ sơ về cấp phiếu lý lịch tư pháp có 220 hồ sơ trễ hẹn/5.107 hồ sơ tiếp nhận, chiếm 4.3%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân tại trung tâm.

 

Theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân và quy định thì ngoài phạm vi tiếp nhận giải quyết TTHC các sở, ban, ngành, đơn vị hiện tại, trung tâm còn có nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận TTHC của cấp huyện. Tuy nhiên, với trụ sở khá chật hẹp nên hạn chế việc đề xuất bổ sung thêm các TTHC tiếp nhận tại trung tâm.

 

Công tác truyền thông thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về kinh phí cũng như phương pháp tiếp cận. Để người dân và doanh nghiệp hiểu cũng như trực tiếp thực hiện dịch vụ công trực tuyến không chỉ cần các giải pháp truyền thông đều đặn, liên tục mà cần sự tham gia tích cực hơn nữa của các sở, ngành để thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay vì dịch vụ trực tiếp.

 

-Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả” trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Trước đó, Tỉnh ủy Quảng Trị cũng có Kế hoạch 190-KH/TU ngày 12/8/2020 quyết tâm chuyển đổi số để phát triển. Xin ông cho biết hướng phát triển Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh như thế nào trong giai đoạn tới?

 

-Để trung tâm hoạt động đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, cần sự tham mưu tích cực của các cơ quan liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương. Trung tâm cần ứng dụng công nghệ thông tin và tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức, đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC.

 

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tham mưu hoàn thành, triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, BHXH và đất đai với hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hoá hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Tăng tỉ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại trung tâm để tạo cơ sở dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác, đảm bảo người dân khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ là kết quả của việc thực hiện TTHC trước đó.

 

Đối với triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, thị, thành phố: Tiếp tục tham mưu, rà soát bổ sung danh mục cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, tiến tới mục tiêu đạt 100% trong tổng số danh sách dịch vụ công. Thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết rõ hơn về Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh trong giải quyết TTHC. Tăng cường giao dịch thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết hồ sơ TTHC. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về Cổng Dịch vụ công tỉnh, các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương tại các hội thảo, hội nghị, tập huấn…Chủ động tham mưu, đề xuất triển khai thí điểm yêu cầu bắt buộc hồ sơ của một số TTHC đã triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thì phải nộp hồ sơ trực tuyến hoàn toàn hoặc yêu cầu phải nộp hồ sơ trực tuyến trước khi nộp hồ sơ giấy đối chiếu.

 

-Xin cảm ơn ông!

http://www.baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 1628
Tổng lượt truy cập: 2.907.155
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.