Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 28-04-2021

Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Mở đường cho nông sản tiếp cận thị trường nước ngoài

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Hiện nay, các địa phương rất quan tâm và có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Xin ông cho biết một số kết quả hỗ trợ hoạt động này trong thời gian qua và định hướng trong giai đoạn tới của Cục Sở hữu trí tuệ?

Hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP là một trong những hoạt động luôn được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng, thúc đẩy. Trong 5 năm qua, thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, quản lý chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ, kết nối thương mại sản phẩm…

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, Cục cũng hỗ trợ về chuyên môn, các địa phương chủ trì triển khai công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, tiêu biểu như như chè Thái Nguyên (bảo hộ tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan), Mỳ Chũ - Bắc Giang (bảo hộ tại Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia).

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Ví dụ, sản phẩm cam Cao Phong Hòa Bình, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, cam Hà Giang, bưởi da xanh Bến Tre. Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dụng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, trong đó sẽ chú trọng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị; giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

Gần đây, câu chuyện vải thiều Lục Ngạn - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đã khó, nhưng để duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn khó hơn. Ông nhận định gì về vấn đề này?

Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ vải thiều Lục Ngạn vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Song với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày 12/3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho vải thiều Lục Ngạn đến với thị trường Nhật Bản. Đã, và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, bộ, ngành, để vải thiều Lục Ngạn tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình. Trong khuôn khổ câu trả lời của mình, tôi chỉ nhắc tới những khó khăn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho vải thiều Lục Ngạn có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bắc Giang. Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất vải thiều, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng vải, nhằm góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng quả vải, xúc tiến thương mại vải thiều ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn thành công tại Nhật Bản là một niềm tự hào của người dân và chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang. Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan đầu ngành của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào quá trình này trên mọi phương diện. Vẫn còn đó nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua, tuy nhiên, từ câu chuyện quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công như quả vải thiều đã làm được, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.

Năm nay, thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) đó là “Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa - mang ý tưởng đến với thị trường”. Vậy hiện nay, chúng ta đã có những kế hoạch, hành động gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vấn đề sở hữu trí tuệ, thưa ông?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một cấu phần lớn trong nền kinh tế (90% tổng số doanh nghiệp trên toàn thế giới, đóng góp 40% GDP, tại Việt Nam, con số này lần lượt là 97% và 47%), đang đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế mỗi quốc gia, giúp các nền kinh tế phục hồi và trụ vững. Bên cạnh đó, cũng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) là những doanh nghiệp có tiềm năng nắm bắt cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể đem lại tốt nhất trong bối cảnh này. Với sự khéo léo, sáng tạo và dũng cảm, các SMEs có thể biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ, đưa các tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội.

Hệ thống sở hữu trí tuệ về bản chất là để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các SMEs nói riêng. Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn. Hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác và thuận tiện. Việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế, với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Hai văn bản quan trọng mới được ban hành, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030, cũng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ. Tôi hy vọng những nỗ lực của chúng tôi sẽ thu được những kết quả tốt đẹp với số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, tạo được niềm tin mạnh mẽ cho các doanh nghiệp này về hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi, chất lượng của công tác xử lý đơn được nâng cao, góp phần thúc đẩy thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn ông!

https://congthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 3398
Tổng lượt truy cập: 2.908.926
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.