Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Phổ biến pháp luật

Ngày đăng: 17-06-2021

Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Chiến lược đã đưa ra 06 Quan điểm lớn định hướng phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Phát triển chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội. Dữ liệu là tài nguyên mới. Nền tảng là giải pháp đột phá. Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triern khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đa dạng về quy mô, hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ cốt lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ Make in Việt Nam.

Chiến lược cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suát của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào sự hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Chiến lược đưa ra 05 mục tiêu đến năm 2025 bao gồm:  Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội. Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước. Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Chiến lược cũng đã đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tâm quốc gia (1. Hoàn thiện môi trường pháp lý. 2. Phát triển hạ tầng số. 3. Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia. 4. Phát triển dữ liệu số quốc gia. 5. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia. 6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia) và 06 nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành địa phương tương ứng (1. Hoàn thiện quy chế, quy định. 2. Phát triển hạ tầng số. 3. Phát triển nền tảng, hệ thống. 4. Phát triển dữ liệu. 5. Phát triển ứng dụng, dịch vụ số. 6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng) trong đó có một số nhiệm vụ cốt lõi như sau:

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ, Luật Chính phủ số; Ban hành các nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP để phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ số. Ban hành Nghị định của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử, và hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số. Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhân thay đổi.

- Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng, ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã; Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) thống nhất; Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẽ sữ liệu quốc gia; Phát triển Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia; Xây dựng Nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia; Phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dân và doanh nghiệp có thể định danh trên không gian số và sử dụng mọi dịch vụ tiện ích trong Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi.

- Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số. Các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước. Xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triên kinh tế - xã hội, ưu tiên dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng như: hạ tầng không gian địa lý, bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội, tài chính, căn cước, hộ tịch,…

- Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương qua một địa chỉ duy nhất trên mạng, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Xây dựng Nền tảng họp trực tuyến, Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số dựa trên Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ. Phát triển trục liên thông văn bản quốc gia. Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Phát triển Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Phát triển, hoàn thiện Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Xây dựng Hệ thống thông Ngân sách và Kế toàn nhà nước số.

- Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử. Xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia. Xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Xây dựng hệ thống thẩm định an ninh mạng, kiểm tra an ninh mạng, đánh giá điều kiện an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Luật An ninh mạng.

Chiến lược cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.
 
Xem chi tiết Chiến lược tại đây

Nguyễn Thị Hòa

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 3958
Tổng lượt truy cập: 2.916.303
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.