Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Phổ biến pháp luật

Ngày đăng: 13-04-2021

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao

Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý; Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Cụ thể, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên; Xây dựng được 02-05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01-02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tác, tiệu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít 30% so với năm 2020, phát triển được 10-15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước; phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm có giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD.

Đến năm 2045, Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền, phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp GDP trên 20 tỷ USD.

Có 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra để thực hiện Chương trình bao gồm: Giải pháp về thể chế, pháp luật. Giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo. Giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu. Giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế. Giải pháp thông tin truyền thông

Giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo

Tổ chức thực hiện ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước trong 03 năm; ít nhất 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ trong 01 năm về phát triển công nghiệp dược trong nước, tập trung vào các hoạt động: Nghiên cứu phát triển, sản xuất vắc xin đa giá. Nghiên cứu ứng dụng công nghiệp bào chế hiện đại, nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu chiết xuất dược liệu công nghệ cao, bào chế, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ một số dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao trong nước, phát triển các sản phầm quốc gia từ dược liệu Việt Nam. Phân lập, định danh hoạt chất chính, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm thuốc dược liệu mang tính đặc thù của Việt nam; chứng minh khoa học tác dụng dược lý, thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả điều trị của thuốc dược liệu nguồn gốc trong nước. Nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế ở Việt Nam và nhập nội nguồn gen và giống cây dược liệu tiên tiến.

Áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia cho các hoạt động nghiên cứu – phát triển, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đào tạo chuyên đề về sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế, nghiên cứu tương đương sinh học, thử nghiệm lâm sàng trong chương trình đào tạo dược sĩ đại học.

Bộ Khoa học và công nghệ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, xây dựng, tổ chức phê duyệt, thực hiện, kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia. Chủ trì, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về hỗ trợ, tài trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia cho hoạt động nghiên cứ, phát triển trong lĩnh vực dược tại Việt Nam.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển công nghiệp dược, dược liệu phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương. Ưu tiên về quỹ đất cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm, ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án phát triển dược liệu. Rà soát, nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách, khung pháp lý phù hợp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho công nghiệp dược, phát triển dược liệu trên địa bàn, chú trong tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn dược liệu quý hiếm, đặc hữu, thu hút hợp tác công và tư. Đặc biệt chú trọng xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực dược, phát triển thuốc dược liệu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Xem chi tiết Quyết định số 376/QĐ-TTg tại đây

Nguyễn Thị Hòa

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 176
Tổng lượt truy cập: 2.916.707
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.