Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 21-03-2023

Xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, các hoạt động sở hữu trí tuệ tại doanh nghiệp theo đó không ngừng phát triển. Các tài sản trí tuệ cũng ngàng càng được trú trọng và tăng cường bảo hộ, đem lại giá trị kinh tế, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay không ít doanh nghiệp còn thờ ơ với hoạt động sở hữu trí tuệ; không ít doanh nghiệp còn loay hoay với việc tìm ra phương án thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ; không ít doanh nghiệp vì không có cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên bị thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ thông qua các dự án xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp tại nước ta là cần thiết, cấp bách.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, một Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề với hơn 50 đơn vị thành viên, tổng giá trị tài sản là 10.088 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 3.713 tỷ, doanh thu đạt gần 13.000 tỷ đồng/ năm; hoạt động trên 10 lĩnh vực. Tuy nhiên, các hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ mà chưa có đánh giá tổng thể về tầm quan trọng, ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ đến sự tồn tại của doanh nghiệp, chưa có chiến lược chính sách về sở hữu trí tuệ cùng hệ thống văn bản, quy trình quản trị quyền sở hữu trí tuệ. Dabaco cũng chưa có hệ thống văn bản, quy trình quản trị tài sản trí tuệ, chưa có bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; chưa xây dựng được hệ thống nhận diện chung, chưa có cơ chế phát hiện và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho Dabaco. Chính vì vậy, nhằm xây dựng và vận hành được bộ phận quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ tại Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO qua đó giúp nâng cao hiệu quả tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của Tập đoàn, nhóm nghiên cứu, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, do ThS. Nguyễn Thị Huệ Minh làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện Dự án: “Xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam”. Việc xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tại Dabaco là hết sức cần thiết. Đề tài đã được thực hiện trên cơ sở sự hỗ trợ, phối hợp của Cục sở hữu trí tuệ, Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (Văn phòng Chương trình 68), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, các luật sư, chuyên gia về sở hữu trí tuệ. Đơn vị chủ trì thực hiện dự án xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đã hỗ trợ đơn vị chủ trì thực hiện dự án trong quá trình triển khai.

Sau thời gian 20 tháng triển khai, Dự án đã hoàn thành. Kết quả của dự án đáp ứng các yêu cầu đề ra trong quá trình phê duyệt triển khai dự án. Cụ thể:

+ Toàn thể cán bộ công nhân viên của Tập đoàn và các công ty/đơn vị thành viên của Dabaco đã nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có ý thức hơn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp mình;

+ Bộ phận phụ trách về hoạt động sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được thành lập. Dabaco đã thành lập 01 Ban sở hữu trí tuệ nhằm quản lý chung toàn bộ hoạt động sở hữu trí tuệ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tại tất cả các công ty, đơn vị thành viên của Dabaco cũng đều có cán bộ phụ trách hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm tạo thành hệ thống quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ thống nhất, xuyên suốt đem lại hiệu quả quản lý cao;

+ Hành lang pháp lý quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tại Tập đoàn và các công ty/đơn vị thành viên. Bao gồm các quy chế, quy định về quản trị tài sản trí tuệ; Quản lý và sử dụng thương hiệu Dabaco; Quy trình nghiệp vụ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tại Dabaco; Quy định về khai thác thương mại tài sản trí tuệ; Quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Dabaco; Quy chế về sáng kiến đổi mới, bảo mật thông tin và bí mật kinh doanh; Hệ thống biểu mẫu và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý thống kê, khai thác tài sản trí tuệ... Những quy chế, quy định này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco.

+ Mức độ nhận diện thương hiệu của Dabaco được mở rộng tới nhiều đối tượng khách hàng, đối tác, nhà đầu tư hơn. Hệ thống nhận diện thương hiệu được đưa vào ứng dụng đồng bộ tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đem lại hiệu quả nhận diện rõ rệt. Các quy chuẩn logo thương hiệu Tập đoàn; Bộ nhận diện như: lịch, thiệp mời, biển hiệu, sổ làm việc, đồng phục... được in ấn và đưa vào sử dụng; Hệ thống catalog, hệ thống quảng cáo báo chí truyền thông được ứng dụng đồng bộ, bài bản và đem lại hiệu quả tích cực.

+ Các hoạt động hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu Dabaco và nhãn hiệu sản phẩm của các đơn vị thành viên được hoàn thành, cụ thể như: Xây dựng phim phóng sự về doanh nghiệp; Phát sóng quảng cáo các sản phẩm của Dabaco; Tham gia các chương trình, giải thưởng về nhãn hiệu, thương hiệu; Tham gia các hội chợ, triễn lãm giới thiệu sản phẩm của Dabaco. + Các cuộc hội thảo, tập huấn nâng cao trình độ của cán bộ công nhân viên về hoạt động sở hữu trí tuệ được tổ chức và đem lại hiệu quả cao. Cán bộ công nhân viên Dabaco đã biết nắm bắt, vận dụng những kiến thức đã học được 34 qua tập huấn để đăng ký bảo hộ khối tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình cũng như thực hiện quản lý tài sản trí tuệ. Nhìn chung, các kết quả đạt được của dự án chỉ là kết quả bước đầu trong quá trình quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong thời gian tới. Để doanh nghiệp quan tâm và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ hơn, đòi hỏi sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của chính các doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành các cấp trong việc giúp đỡ doanh nghiệp phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình.

Việc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp là công việc khá phức tạp và cũng mất nhiều thời gian. Vì vậy, để duy trì và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, Dự án mong muốn Cục sở hữu trí tuệ thường xuyên tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sở hữu trí tuệ, hỗ trợ trong việc thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ công tác tra cứu khả năng bảo hộ của các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... Tiếp tục tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ để các quy chế, quy định quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ đem lại hiệu quả cao, khắc phục những vướng mắc trong công tác quản lý, thực thi hoạt động sở hữu trí tuệ. Phía doanh nghiệp sẽ chủ động nâng cao kiến thức và nhận thức về sở hữu trí tuệ cũng như năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu thị trường, định giá sản phẩm sao cho phù hợp với thực tiễn để chủ động kết nối và xúc tiến thương mại. Chủ động xây dựng khai thác tối đa thế mạnh của thương hiệu, khai thác tối đa giá trị tài sản trí tuệ, khai thác thị trường nhằm nâng cao giá tài sản trí tuệ đem lại. Tổ chức thực hiện và tuân thủ đúng các quy chế, quy định do doanh nghiệp ban hành đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18101/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://baochinhphu.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1635
Tổng lượt truy cập: 2.803.074
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.