Nghiên cứu làm chủ, cải tiến và ứng dụng công nghệ Bể lọc cát tuần hoàn liên tục trong xử lý nước cấp cho sinh hoạt
Trong quá trình xử lý nước cấp phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt thì lọc là công đoàn quan trọng nhằm loại bỏ cặn, chất rắn lơ lửng về ngưỡng đảm bảo an toàn cho việc sử dụng. Và ở bất kỳ loại nguồn nước nào (nước mặt, nước ngầm) hay bất kỳ những công nghệ nào được lựa chọn để tích hợp vào dây chuyền xử lý nước thì đều phải có bể lọc. Như vậy có thể khẳng định “lọc” là công đoạn không thể thiếu trong quá trình xử lý nước dùng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.
Hiện nay trên thế giới trong đó có cả Việt Nam đang sử dụng rất nhiều loại công nghệ lọc nước khác nhau. Mỗi loại công nghệ lọc nước đều có những ưu điểm, hạn chế khác nhau nên việc lựa chọn công nghệ lọc nước nào để sử dụng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đầu vào, khả năng tài chính, điều kiện địa hình... Trong những loại công nghệ lọc mà cả thế giới đang sử dụng có công nghệ lọc cát tuần hoàn liên tục. Khoảng 15 năm trở lại đây thì Việt Nam cũng đang dần có nhiều đơn vị sản xuất nước sạch lựa chọn công nghệ này để lắp đặt, sử dụng trong quá trình sản xuất nước, có cả những nhà máy với công suất 200.000m3/ngày đêm. Điều này chứng tỏ công nghệ lọc cát tuần hoàn liên tục có những ưu điểm nhất định thì mới được các đơn vị cấp nước ở Việt Nam lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, tất cả đều nhập khẩu từ nước ngoài, hiện vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào nghiên cứu, tìm kiếm, giải mã để làm chủ công nghệ này ở Việt Nam. Chi phí nhập khẩu, lắp đặt hoàn thiện công nghệ tại Việt Nam tương đối cao.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Ngô Đức Trung thực hiện “Nghiên cứu làm chủ, cải tiến và ứng dụng công nghệ Bể lọc cát tuần hoàn liên tục trong xử lý nước cấp cho sinh hoạt” với mục tiêu: Nghiên cứu tìm kiếm, cải tiến kỹ thuật và làm chủ Công nghệ lọc cát tuần hoàn liên tục, phục vụ lọc nước ở quy mô công nghiệp; Thiết kế, chế tạo mẫu bể lọc 5000m3/ngày đêm và các công trình, thiết bị kèm theo; Vận hành thử nghiệm với nguồn nước đầu vào khác nhau tại bể mẫu thử nghiệm, xác định các thông số kỹ thuật và đánh giá, hiệu chỉnh.
Sau khi chọn bể lọc Dynasand của hãng Nordic Water là công nghệ có nhiều tính năng phù hợp với tương đồng với nhu cầu lắp đặt, vận hành để sản xuất và cung cấp nước sạch tại Công ty cũng như các đơn vị cấp nước bạn, nhóm tác giả đã nghiên cứu, tiếp cận, cập nhật thông tin và đề xuất các giải pháp cải tiến kỹ thuật khả thi. Đề tài đã thực hiện trình tự các bước thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành thử nghiệm bể lọc cát tuần hoàn liên tục với quy mô công suất 500m3/ngày. Quá trình vận hành thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều thử nghiệm liên quan đến kỹ thuật rửa cát lọc, thu cát bẩn, phân phối nước thô vào bể lọc.
Mặc dù trong quá trình nghiên cứu có sự thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, bị tác động bởi đại dịch Covid-19 cũng như liên tục ứng phó với thiên tai, bão lụt trong năm vừa qua nhưng đề tài đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
- Đã thực thi cơ bản các nguyên tắc về nghiên cứu khoa học, thông qua một quá trình tìm kiếm, khảo cứu, đánh giá, giải mã, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành thử nghiệm và vận hành thực nghiệm ứng dụng sản phẩm công nghệ đạt được hiệu quả như mong muốn. Đây là kết quả được đặt ra từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ về kinh phí, sự theo dõi, giám sát từ Lãnh đạo và các thành viên của Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia- động lực được xem là chất xúc tác vô cùng quan trọng.
- Sản phẩm công nghệ của đề tài sau khi được ứng dụng để trực tiếp cung cấp nước sạch cho nhân dân các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam… huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam sử dụng trong thời gian qua, đảm bảo được tiêu chuẩn về độ đục theo Quy chuẩn của Bộ Y tế (và cả các tiêu chuẩn khác theo quy định), đáp ứng được mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể được thỏa thuận giữa Chủ nhiệm đề tài, Công ty chủ quản với Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã thể thiện được chi tiết các quá trình quan sát, giải mã, thiết kế, gia công, lắp đặt, vận hành thử nghiệm, vận hành thực nghiệm và làm chủ được sản phẩm công nghệ, hoàn toàn có đủ khả năng tự chủ không phụ thuộc vào sản phẩm công nghệ nhập từ nước ngoài, đã đánh dấu một bước tiến về nghiên cứu khoa học, góp phần nhỏ vào tiến trình chung của phát triển công nghệ được gọi là cách mạng công nghệ 4.0.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18173/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/