Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 31-08-2022

Sáng tạo thiết bị dạy và học từ một sân chơi

Thiết bị dạy học tự làm giúp phát huy tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên GDNN

Cách đây không lâu, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã tổ chức thành công hội thi thiết bị đào tạo tự làm tại các cơ sở GDNN lần thứ III, năm 2022 với sự tham gia của đông đảo các cơ sở GDNN trên toàn tỉnh. Vượt qua nhiều đội thi, thiết bị “Mô hình cắm hoa nghệ thuật” thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp do nhóm các giáo viên của Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên Đông Hà đã giành được giải Nhì.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hồ Sỹ Nghĩa, trưởng nhóm cho hay, từ năm 2020, nghề cắm hoa nghệ thuật đã được bổ sung vào danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu của người học ngày càng tăng cao, do đó việc dạy cắm hoa bằng hình ảnh là chưa đủ. Hơn nữa, việc sử dụng hoa tươi để làm ví dụ trực quan cho học viên gây lãng phí vì không sử dụng được lâu. Từ thực tế đó, nhóm tác giả đã lên ý tưởng và sáng tạo thiết bị đào tạo “Mô hình cắm hoa nghệ thuật”. Bộ mô hình gồm có 10 cách cắm hoa cơ bản nhất được tạo nên từ các vật liệu dễ kiếm như: Bóng, quả thông, đế gỗ... cho phép giáo viên và học viên được sử dụng nhiều lần trong quá trình dạy và học.

 

“Thông qua bộ mô hình, học viên không chỉ quan sát cụ thể, theo dõi từng thao tác cắm hoa của giáo viên mà còn tự sáng tạo ra các kiểu cắm hoa mới, từ đó tạo sự hứng thú trong quá trình học”, anh Nghĩa cho hay.

 

Tương tự như nghề cắm hoa, việc thực hành trên các mô hình mô phỏng cơ thể người là điều bắt buộc đối với những sinh viên đang theo học các ngành điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, phục hồi chức năng... trước khi thực hành trực tiếp trên cơ thể người. Hiện nay, thiết bị dạy và học thực hành tiêm dù đã có mặt trên thị trường song giá thành tương đối đắt đỏ, khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng/thiết bị. Số lượng thiết bị tại các phòng thực hành hạn chế nhưng thực tế lại cần nhiều mô hình cho mỗi buổi thực hành để các bạn sinh viên có cơ hội thao tác thành tạo, từ đó giảm thiểu tối đa các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra cho bệnh nhân. Đó là một trong những lý do mô hình thiết bị dạy và học thực hành tiêm ra đời.

 

“Từ những vật liệu như: Xốp, cao su, silicon, chúng tôi cố gắng tạo ra các mô hình tiêm gồm tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp nông, tiêm bắp sâu và tiêm dưới da theo tỉ lệ 1:1 với cơ thể người. Các vật liệu làm mô hình nhẹ, giá thành rẻ và độ bền cao, giúp học viên dễ dàng xác định vị trí tiêm chính xác, thực hiện tốt các thao tác tiêm thuốc hoặc lấy mẫu máu”, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, đại diện nhóm Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, đơn vị giành được giải Nhì khối Trường Cao đẳng, Trung cấp cho hay. Được biết đây là một trong những thiết bị dạy học lần đầu tiên được làm và ứng dụng hiệu quả tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.

 

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng 2 sản phẩm dự thi nói trên mà rất nhiều thiết bị dạy học tự làm bước ra từ hội thi đều mang tính ứng dụng cao, hỗ trợ tích cực trong quá trình dạy và học tại các trường cao đẳng, trung cấp hay GDNN trên địa bàn. Hầu hết thiết bị được chế tạo, cải tiến dựa trên ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ, phù hợp với sự phát triển của bộ môn, của ngành đào tạo; có chất liệu bền, kích thước hợp lý, dễ quan sát, dễ sử dụng, dễ bảo quản, đảm bảo được các nguyên lý về an toàn lao động, không gây ô nhiễm, ít hao tốn nguyên liệu.

 

Không những thế, các thiết bị đoạt giải còn thể hiện được tính sáng tạo cũng như khả năng tích hợp trong truyền tải kiến thức chuyên môn nghề và rèn luyện kỹ năng nghề. Đặc biệt, ưu điểm của các thiết bị dạy học tự làm chính sử dụng nguyên vật liệu trong nước, linh kiện có sẵn, dễ tìm để chế tạo, cải tiến. Theo Trưởng Phòng GDNN - Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Văn Trắc cho biết, thời gian qua, hoạt động GDNN gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do tác động của COVID-19 nhưng các giáo viên đã luôn nỗ lực, tập trung đầu tư thời gian, trí tuệ nghiên cứu, sáng tạo thiết bị để tham gia hội thi.

 

“Các thiết bị đều có độ bền cao, giá thành phù hợp; màu sắc hài hòa, các đường nét cân xứng, thể hiện được tính thẩm mỹ và thu hút sự chú ý của người học; có khả năng tháo rời hay phối hợp thành từng bộ theo chuyên đề, có khả năng chế tạo hàng loạt. Nhiều thiết bị có thể được sử dụng cho nhiều bài giảng, có thể mở rộng phục vụ cho thực tiễn sản xuất và nhu cầu sử dụng của xã hội”, ông Trắc khẳng định.

 

Hiện nay, GDNN Quảng Trị đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và những thách thức, yêu cầu ngày càng cao của xu thế hội nhập và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc cải tiến thiết bị, phương pháp đào tạo được xem là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực.

 

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Thị Huyền Trang cho biết, hội thi thiết bị đào tạo tự làm là hoạt động được tổ chức định kỳ 3 năm/lần theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ, giáo viên GDNN phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong việc tạo các thiết bị đào tạo có chất lượng, phù hợp với chương trình, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học; đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị. Hội thi đã tạo cho các cơ sở GDNN động lực quan trọng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới. Hy vọng qua hội thi, các đơn vị GDNN sẽ giao lưu, học hỏi lẫn nhau để áp dụng trong thực tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng GDNN trong toàn tỉnh”.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 5917
Tổng lượt truy cập: 2.898.194
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.