Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 04-05-2022

Mở hướng phát triển mới từ cây dược liệu

Cây dược liệu đa dạng về chủng loại


Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp & PTNT cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 3.555 ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Thành phần loài cũng đa dạng với trên 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định. Có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, quế, đảng sâm...

Một số loài có sản lượng lớn như nghệ với trên 1.234 tấn/năm; đinh lăng 175,5 tấn/năm; gừng 413 tấn/năm; sả 2.464 tấn/năm; tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm)... Từ đó đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, cao cà gai leo, trà cà gai leo, sâm Bố Chính…được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, Sở Nông nghiệp và PTNT bước đầu đã đề xuất 14 loài dược liệu có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh như tràm các loại (tràm gió, tràm năm gân), nghệ, chè vằng, an xoa, cà gai leo, đảng sâm, quế… Để phát triển vùng nguyên liệu, ngoài diện tích dược liệu trồng tập trung, toàn tỉnh hiện có hơn 126.000 ha diện tích rừng tự nhiên và 119.000 ha rừng trồng, phân bố ở nhiều vùng địa hình với khí hậu, độ cao phong phú, nhiều diện tích thích hợp để phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Vậy nên ngoài cây dược liệu hiện có phân bố tự nhiên trong rừng, có thể mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ hiện có 50.000 ha, rừng sản xuất 22.000 ha và trồng xen trong rừng trồng phòng hộ 14.000 ha. Dự kiến đến năm 2025, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha, trong đó, trồng mới ít nhất 1.000 ha. Đến năm 2030 phấn đấu đưa diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 6.000 ha.

Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu

Được biết đến là vùng đất của các loại cây dược liệu, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã hình thành vùng trồng cây chè vằng, cây cà gai leo theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích gần 80 ha. Năng suất thu hoạch đạt 60 tạ/ha đối với cây chè vằng và 40 tạ/ha đối với cây cà gai leo. Đồng thời, địa phương đã phát triển vùng trồng cây an xoa với diện tích 3,5 ha. Trong thời gian tới, Cam Lộ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm 12 ha nhằm đảm bảo nguyên liệu cho việc chế biến, xuất khẩu.

Cùng với việc mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm dược liệu cũng được nâng lên, nhiều sản phẩm đã được gắn sao OCOP cấp tỉnh. Tiêu biểu như cà gai leo, cao cà gai leo giải độc gan của Công ty TNHH Cà gai leo An Xuân; cao chè vằng, cao cà gai leo, cao thìa canh, cao lạc tiên của Công ty TNHH Định Sơn Mai Thị Thủy; tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé của HTX Dược liệu Trường Sơn.

Dược liệu là một trong những cây trồng yêu cầu kỹ thuật canh tác khắt khe, vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất cây trồng, đồng thời yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, quá trình thực hiện, người dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chẳng hạn như cây chè vằng, cà gai leo cho thu nhập khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/ ha/năm; cây an xoa, hiện đã xuất khẩu được hơn 2 tấn cao sang thị trường Mỹ với giá 1,7 triệu đồng/kg thông qua hợp tác với Công ty cổ phần Agridynamics Việt Nam, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, đã hình thành một số công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng, thu mua chế biến dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô hộ gia đình, trong đó, một số cơ sở đã tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, uy tín trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có nhiều HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ trồng dược liệu để bán cho các cơ sở sản xuất, chế biến trong nước và trong tỉnh… Nhu cầu tiêu thụ của các cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 tấn nguyên liệu/năm, đến nay sản xuất trong tỉnh đáp ứng được 100% nguyên liệu so với công suất hiện tại. Một số loài dược liệu ngoài tự nhiên có trữ lượng lớn chưa được khai thác hết.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu

Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội.

Riêng Quảng Trị với tiềm năng sẵn có, cây dược liệu đã được xác định là 1 trong 6 cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất cây dược liệu. Ngày 23/5/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định những chính sách để hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Ngày 20/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, dược liệu là nhóm cây chủ lực ưu tiên được hỗ trợ hưởng các chính sách của nghị quyết.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020. Trong đó, dược liệu thuộc nhóm được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa có liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nhân rộng sáng kiến các mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển cây dược liệu đã tạo động lực để các hộ, nhóm hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển cây dược liệu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Ngoài sản phẩm cao an xoa đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hiện tại Công ty cổ phần Agridynamics Việt Nam đang tích cực kết nối với phía đối tác để đưa thêm một số sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ như cao cà gai leo, cao chè vằng, tinh bột nghệ sang Mỹ để giới thiệu và kiểm tra thành phần dược chất.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 2650
Tổng lượt truy cập: 2.901.552
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.