Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 22-05-2023

Miếng dán da có thể giúp giảm dị ứng đậu phộng ở trẻ mới biết đi

Một thử nghiệm lâm sàng mới cho thấy, "miếng dán đậu phộng" dán trên da có thể giúp bảo vệ trẻ mới biết đi bị dị ứng đậu phộng. Miếng dán là hình thức trị liệu miễn dịch, có nghĩa là nó cho trẻ em bị dị ứng đậu phộng tiếp xúc với những mẩu protein đậu phộng nhỏ theo thời gian; với mục tiêu rèn luyện hệ miễn dịch để dung nạp nó tốt hơn.

Trong cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong số những trẻ mới biết đi đeo miếng dán đậu phộng mỗi ngày trong một năm, 2/3 cho thấy mức độ nhạy cảm với protein đậu phộng giảm đáng kể: Họ có thể ăn tương đương từ 1 đến 4 hạt đậu phộng mà không bị dị ứng.

Tiến sĩ Alkis Togias đến từ Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, mục tiêu của liệu pháp miễn dịch là ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng nếu trẻ vô tình ăn phải một lượng nhỏ đậu phộng. Miếng dán có tên là Viaskin, đang được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học DVB Technologies của Pháp, là đơn vị tài trợ cho nghiên cứu. Hiện tại chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận.

Ước tính có khoảng 2% trẻ em Hoa Kỳ bị dị ứng với đậu phộng và phần lớn tình trạng dị ứng tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Đây là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em và phổ biến thứ ba ở người lớn, theo Nghiên cứu và Giáo dục Dị ứng Thực phẩm phi lợi nhuận (FARE).

Những người bị dị ứng đậu phộng có thể bị phản ứng, khi ăn dù chỉ một lượng nhỏ thức ăn; số lượng thường ẩn trong thực phẩm chế biến hoặc chế biến sẵn. Vì vậy, mà cần phải chăm chỉ đọc nhãn thực phẩm và thực hiện biện pháp phòng ngừa khác để tránh tiếp xúc với đậu phộng.

Về phương pháp điều trị, có một dạng liệu pháp miễn dịch dạng uống được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận cho dị ứng đậu phộng, được gọi là Palforzia. Đó là sản phẩm bột đậu phộng có thể trộn vào thức ăn, như nước sốt táo. Nhưng nó chỉ được chấp thuận cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Tiến sĩ Matthew Greenhawt, trưởng nhóm nghiên cứu về thử nghiệm mới cho biết: “Hiện tại không có lựa chọn điều trị nào được FDA chấp thuận cho trẻ mới biết đi dưới 4 tuổi. Liệu pháp miễn dịch đường uống đang được nghiên cứu cho trẻ mới biết đi bị dị ứng đậu phộng”. Thêm vào đó, phương pháp dán miếng dán có thể có ít tác dụng phụ hơn. Miếng dán "tận dụng" thực tế rằng da là cơ quan hệ miễn dịch lớn nhất của cơ thể. Điều đó có nghĩa là có thể sử dụng một lượng protein đậu phộng nhỏ hơn, giúp giảm bớt các tác dụng phụ toàn thân đôi khi do liệu pháp miễn dịch đường uống gây ra; chẳng hạn như khó chịu ở dạ dày, ngứa họng và khó thở.

Thử nghiệm có sự tham gia của 362 trẻ mới biết đi, từ 1 đến 3 tuổi, được chỉ định ngẫu nhiên để đeo miếng dán đậu phộng hoặc miếng dán giả dược (không có hoạt tính) mỗi ngày trong vòng một năm. Nhìn chung, 67% trẻ em được điều trị thực tế đã đạt mục tiêu cuối cùng của thử nghiệm: Khả năng miễn dịch của chúng được xây dựng đến mức chúng có thể ăn một lượng tương đương từ một đến bốn hạt đậu phộng mà không bị dị ứng. Điều đó so với 33% trẻ em trong nhóm giả dược. Phát ban da là tác dụng phụ phổ biến nhất với miếng dán đậu phộng, trong khi chỉ dưới 2% trẻ mới biết đi phát triển triệu chứng toàn thân được đánh giá là "nhẹ đến trung bình".

Nhưng Tiến sĩ Alkis Togias đã chỉ ra kết quả được công bố vào năm ngoái đã thử nghiệm liệu pháp miễn dịch đường uống cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi bị dị ứng đậu phộng. Những phát hiện này cho thấy rằng phương pháp uống có thể có tác dụng mạnh hơn trong việc giải mẫn cảm với hệ miễn dịch. Miếng dán trên da có thể an toàn hơn. Một câu hỏi lớn hơn xung quanh liệu pháp miễn dịch đối với dị ứng đậu phộng là liệu có điểm nào có thể dừng lại được hay không. Palforzia được dùng hàng ngày vô thời hạn, để duy trì khả năng chịu đựng của hệ miễn dịch đối với đậu phộng.

Tiến sĩ Greenhawt nói rằng, miếng dán đậu phộng cũng được thiết kế để sử dụng hàng ngày và các thử nghiệm cho đến nay (bao gồm một thử nghiệm ở trẻ lớn hơn) đã theo dõi bệnh nhân trong thời gian sử dụng lên đến ba năm.

Jennifer Bufford-Phó chủ tịch điều hành lâm sàng tại FARE, đồng ý rằng việc có nhiều loại liệu pháp miễn dịch sẽ tốt cho các gia đình. Và cũng lưu ý rằng nhiều người bị dị ứng đậu phộng cũng bị dị ứng với các loại thực phẩm khác.

Mặc dù có những tin tức tích cực về mặt điều trị, Tiến sĩ Alkis Togias nhấn mạnh một điểm khác: Dị ứng đậu phộng cũng có thể được ngăn ngừa bằng cách đưa các sản phẩm đậu phộng vào chế độ ăn của trẻ khi chúng bắt đầu ăn dặm.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 1090
Tổng lượt truy cập: 2.815.221
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.