Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 26-09-2024

Xung đột giữa nhãn hiệu và tên thương mại: Những thách thức

Việc tăng cường đăng ký bảo hộ là một trong giải pháp quan trọng giúp hạn chế tình huống xung đột giữa nhãn hiệu và tên thương mại, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Nhãn hiệu (hay còn được gọi là “logo", “thương hiệu") thường bị nhầm lẫn với “tên thương mại". Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và nó hoàn toàn khác với tên thương mại.

Bất cứ ai từng tìm mua bột để làm món tôm chiên bột, chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với bột chiên hiệu Đồng Tiền. Ra đời vào cuối những năm 1990, các sản phẩm bột chiên tôm, bột chiên giòn của hộ kinh doanh Hiệu Đồng Tiền ở Hà Nội đã nhanh chóng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ông Phạm Tấn Thành, chủ hộ kinh doanh hiệu Đồng Tiền đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp từ năm 2005. Đây là điều cần thiết bởi một sản phẩm thành công như bột chiên hiệu Đồng Tiền đã thu hút không ít đối tượng có dụng ý xấu. Tiêu biểu vào năm 2016, Công ty CP Bột thực phẩm Asea (Hà Nội) đã tung ra sản phẩm bột chiên có bao bì nhãn hiệu tương tự hiệu Đồng Tiền, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Dù bị Thanh tra Bộ KH&CN xử phạt vi phạm hành chính do xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, công ty này vẫn tiếp tục luồn lách bằng cách đổi tên công ty, từ “Asea” sang “Asea Đồng Tiền”, nhằm lợi dụng dấu hiệu “Đồng Tiền” được cấp trong đăng ký sửa đổi để hợp pháp hóa cho hành vi sử dụng dấu hiệu này trên bao bì sản phẩm bột chiên.


“Hiện tượng lạm dụng quy định đơn giản và dễ dàng của thủ tục đăng ký kinh doanh để chiếm đoạt thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ của doanh nghiệp khác cấu thành tên doanh nghiệp của mình đang là hiện tượng có thực trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Và sự xuất hiện của hiện tượng này đang có khuynh hướng gia tăng, tương tự như hiện tượng lạm dụng cơ chế đăng ký tên miền bằng cách chiếm đoạt thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại của người khác để đăng ký tên miền, đặc biệt là tên miền quốc gia .VN”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự - đơn vị đã giúp hộ kinh doanh hiệu Đồng Tiền giành chiến thắng trong vụ kiện trên, nhận xét trong một bài viết trên trang web của công ty.

Tranh chấp nhãn hiệu và tên thương mại

Thoạt nghe, câu chuyện này có thể khiến nhiều người bối rối, bởi không phải ai cũng nắm được mối quan hệ giữa thương hiệu, nhãn hiệu và tên thương mại. Thậm chí có người còn lầm tưởng rằng chúng là một. Thực chất, ba đối tượng này có những tính chất hoàn toàn khác biệt. Khác với nhãn hiệu và tên thương mại, thương hiệu không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu là hình ảnh của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng, chẳng hạn như nhắc đến Bia Sài Gòn SABECO, người ta sẽ nghĩ đến một loại bia có lịch sử lâu đời, được ưa chuộng rộng rãi ở Việt Nam. Do vậy, thương hiệu không phải là một khái niệm pháp lý và không thể đăng ký bảo hộ. Trong khi đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, chẳng hạn như nhãn hiệu Bia Sài Gòn SABECO có các dấu hiệu đặc trưng là hình ảnh con rồng và chữ “BIA SAIGON” màu trắng trên nền xanh lá cây.

 

Hiện tượng lạm dụng quy định đơn giản và dễ dàng của thủ tục đăng ký kinh doanh để chiếm đoạt thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ của doanh nghiệp khác cấu thành tên doanh nghiệp của mình đang là hiện tượng có thực trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Và sự xuất hiện của hiện tượng này đang có khuynh hướng gia tăng, tương tự như hiện tượng lạm dụng cơ chế đăng ký tên miền bằng cách chiếm đoạt thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại của người khác để đăng ký tên miền, đặc biệt là tên miền quốc gia .VN.
Luật sư Lê Quang Vinh

Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự


Sự mập mờ giữa nhãn hiệu và thương hiệu thường chỉ dẫn đến việc nhầm lẫn về cách dùng từ không phù hợp bối cảnh, trong khi mối quan hệ phức tạp giữa nhãn hiệu và tên thương mại có thể dẫn đến những tranh chấp. Về bản chất, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, nhằm phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác nhau trong cùng một lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Dù một bên dùng để phân biệt sản phẩm (nhãn hiệu), một bên dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh (tên thương mại), song điểm chung của hai bên là đều có chức năng phân biệt nguồn gốc thương mại. Tên thương mại hay nhãn hiệu đều có thể gắn lên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, quảng cáo…, giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc của sản phẩm.

Với nhiều tính chất tương đồng giữa nhãn hiệu và tên thương mại, hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới sẽ đặt tên thương mại và nhãn hiệu giống nhau, nhằm tăng khả năng nhận diện và phân biệt của người tiêu dùng về doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Thông thường, thành phần tên riêng trong tên thương mại, hay tên viết tắt của doanh nghiệp sẽ được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như trong tên thương mại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì thành phần tên riêng Vinamilk là nhãn hiệu chính của doanh nghiệp, bên cạnh những nhãn hiệu khác như Ông Thọ cho sản phẩm sữa đặc, hay Dielac Grow cho các sản phẩm sữa bột.

Tình trạng xung đột xảy ra khi các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực lại sở hữu tên thương mại và nhãn hiệu trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn. “Xung đột này có thể xảy ra trong suốt quá trình bảo hộ, từ giai đoạn xác lập quyền đến giai đoạn khai thác và bảo vệ quyền”, ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng và TS. Nguyễn Hữu Cẩn (Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN), nhận xét trong một bài viết trên tạp chí KH&CN Việt Nam vào tháng 6/2024. Chẳng hạn như trường hợp của bột chiên hiệu Đồng Tiền, “sau khi được cấp đăng ký kinh doanh với tên doanh nghiệp chứa nhãn hiệu (Asea Đồng Tiền), chủ thể đăng ký kinh doanh (Công ty CP Bột thực phẩm Asea Đồng Tiền) bộc lộ rõ ý định sử dụng tên doanh nghiệp đó hoặc với danh nghĩa là nhãn hiệu, nguồn gốc thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang có trên thị trường của chủ thể kinh doanh khác (hộ kinh doanh hiệu Đồng Tiền), với động cơ chính là lợi dụng uy tín, sự phổ biến, sự quen thuộc hoặc nổi tiếng của thương hiệu của người khác để làm cho công chúng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang các chỉ dẫn thương mại tương tự đó có cùng một nguồn gốc thương mại”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.

Những vụ tranh chấp như câu chuyện của bột chiên hiệu Đồng Tiền không hiếm gặp ở Việt Nam. Từ năm 2018 đến hết tháng 4/2024, đã có chín bản án về tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên thương mại được công bố, trong đó có bảy bản án sơ thẩm, hai bản án phúc thẩm. “Tranh chấp giữa tên thương mại và nhãn hiệu rất dễ xảy ra bởi lẽ chúng đều là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, và đều là các chỉ dẫn thương mại nhằm mục đích hướng dẫn thương mại cho hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng”, luật sư Huỳnh Đặng Hoàng Mai ở Công ty Luật TNHH Vietthink, nhận xét trong một bài viết trên trang web của công ty. Tương tự, trên thế giới, “xung đột giữa tên thương mại và nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ diễn ra khá thường xuyên”, luật sư Amy Guo ở Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Kangxin Partners (Trung Quốc) nhận xét trong một bài viết trên Lexology. Việc xử lý các vụ việc này không đơn giản vì “tranh chấp, xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại luôn là một vấn đề pháp lý phức tạp, và luôn có những ý kiến, quan điểm giải quyết tranh chấp khác nhau đối với từng vụ việc cụ thể”, theo luật sư Huỳnh Đặng Hoàng Mai.

Tăng cường đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Những kẽ hở trong cơ chế bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại khiến cho xung đột giữa hai đối tượng này dễ dàng bùng phát. Việc xác định tình trạng bảo hộ của một nhãn hiệu sẽ dựa vào đơn đăng ký nhãn hiệu (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng), trong khi quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại lại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Do đó, “việc tên thương mại có được bảo hộ hay không, phạm vi bảo hộ như thế nào lại không được thể hiện một cách rõ ràng”, luật sư Huỳnh Đặng Hoàng Mai nhận xét. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, “nếu doanh nghiệp cho rằng tên thương mại của mình đã được bảo hộ thì phải cung cấp được các bằng chứng để chứng minh về vấn đề và các bằng chứng này sẽ được đánh giá bởi các cơ quan giải quyết tranh chấp”.

Bằng chứng rõ nhất về việc bảo hộ tên thương mại chính là giấy đăng ký doanh nghiệp. Đây là nguồn tham khảo cần thiết để xác định khả năng bảo hộ của nhãn hiệu và tên thương mại trong quá trình đăng ký. Bởi lẽ về nguyên tắc, nhãn hiệu và tên thương mại sẽ không đáp ứng điều kiện bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ/tên thương mại đã được sử dụng trước. Tuy nhiên, “theo quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu, nguồn thông tin bắt buộc để tra cứu đơn đăng ký nhãn hiệu không bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp đã được đăng ký Việt Nam”, theo bản góp ý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022. “Thực tế, nguồn thông tin về đăng ký doanh nghiệp chỉ được xem xét khi có đơn phản đối đăng ký nhãn hiệu hoặc yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở quyền đối với tên thương mại được bảo hộ trước; hoặc việc tra cứu nguồn này chỉ trong trường hợp cần thiết theo quan điểm của xét nghiệm viên phụ trách vụ việc. Ngược lại, trong đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký cũng không tra cứu sang cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ mà ‘đẩy’ trách nhiệm tra cứu sang cho doanh nghiệp đăng ký”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như ở Thái Lan, “việc xung đột giữa nhãn hiệu và tên thương mại là mối quan ngại nghiêm trọng vì hệ thống đăng ký trong Cục Phát triển doanh nghiệp Thái Lan (Bộ Thương mại) không bao gồm quy trình xác định xem tên công ty mới có giống với các nhãn hiệu đã được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ hay không”, theo nhận định của các luật sư ở Tilleke & Gibbins.

Đơn cử như trường hợp tranh chấp nhãn hiệu/tên thương mại giữa Công ty Dược phẩm LC - đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc LC nổi tiếng với bà L.K.L ở TP.HCM mới đi đến hồi kết vào cuối năm ngoái. Vụ việc bắt đầu từ năm 2016, Công ty Dược phẩm LC đã mua lại chuỗi bốn nhà thuốc nổi tiếng tên LC ở TP.HCM. Đến năm 2017, công ty này nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “LC” thì bị từ chối do nhãn hiệu này đã được bà LKL nộp đơn đăng ký bảo hộ vào năm 2016 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2017. Sau đó, công ty LC đã tiến hành thủ tục yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của bà LKL do tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi và tên thương mại “LC” đã được xác lập từ trước. Câu chuyện có lẽ sẽ không phức tạp như vậy nếu quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của bà LKL có xem xét đến cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp. Nhưng muốn tra cứu nguồn thông tin này cũng không đơn giản vì ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đăng ký doanh nghiệp thuộc sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành khác nhau.

Việc giải quyết xung đột giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu và tên thương mại luôn là một thách thức đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, và không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Giữa bối cảnh đó, doanh nghiệp có thể làm gì để chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, hạn chế những tranh chấp từ những xung đột này? “Các tổ chức, cá nhân nên đăng ký nhãn hiệu, kể cả đăng ký nhãn hiệu cho tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình. Trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu cho tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình, hoặc có chứa tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình thì danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu nên bao trùm toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh của tổ chức, cá nhân đó”, luật sư Huỳnh Đặng Hoàng Mai gợi ý.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 31
Hôm nay: 2534
Tổng lượt truy cập: 3.582.130
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!