Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Phòng, chống dịch bệnh COVID 19

Ngày đăng: 15-08-2022

Phương pháp mới cung cấp vắc xin qua đường mũi mang lại hiệu quả cho vắc xin HIV và COVID-19

Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota, Hoa Kỳ đã đưa ra một phương pháp mới cung cấp hiệu quả vắc xin thông qua các mô niêm mạc trong mũi, làm tăng khả năng bảo vệ chống lại các mầm bệnh như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ này trên chuột và các loài linh trưởng không phải người. Kết quả cho thấy vắc xin tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, mở đường cho việc nghiên cứu và phát triển hơn nữa vắc xin dạng xịt. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Trước đây, vắc xin được cung cấp qua đường mũi nhờ máy phun sương hoặc bình xịt nên rất khó sản xuất thành công. Chất nhầy trong mũi thường đào thải ra ngoài hoặc phá vỡ các thành phần của vắc xin như kháng nguyên protein, trước khi vắc xin có thể tiếp cận các mô bên dưới để kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể.

Tuy nhiên, vắc xin dạng xịt có khả năng sản sinh miễn dịch mạnh hơn các loại vắc xin dạng tiêm hiện nay. Nguyên nhân là do đối với nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp trên như COVID-19, vắc xin dạng xịt sẽ kích hoạt các phản ứng miễn dịch tại chính các khu vực nhiễm trùng bao gồm mũi, miệng và phổi. Trong một số loại vắc xin dạng xịt hiện có thì hầu hết sử dụng mầm bệnh sống giảm độc lực nên không thể tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Brittany Hartwell, đồng tác giả nghiên cứu giải thích: “Các loại vắc xin truyền thống được tiêm thường không nhằm mục đích tạo khả năng miễn dịch trong các mô niêm mạc này. Vắc xin hướng nhiều hơn đến việc tạo miễn dịch trong máu giống như một biện pháp bảo vệ dự phòng. Nhưng ý tưởng tạo miễn dịch ở các vùng niêm mạc như mũi là nhằm dựng hàng rào bảo vệ tốt hơn chống lại sự lan truyền của bệnh tật”. Loại vắc xin mới dạng xịt không chỉ tạo phản ứng kháng thể niêm mạc mà còn kích hoạt các phản ứng kháng thể thực sự mạnh mẽ trong máu. Điều đó giống như đang thiết lập cùng lúc một tuyến phòng thủ và dự phòng.

Nhóm nghiên cứu đã tìm cách giúp kháng nguyên vắc xin vượt qua hàng rào niêm mạc trong mũi bằng cách giúp chúng liên kết với một protein có tên là albumin, xuất hiện tự nhiên trong cơ thể người và có khả năng vượt qua những rào cản này. Nhờ vậy, các kháng nguyên có thể đi đến đích là các mô miễn dịch nằm dưới mũi để bắt đầu kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Phương pháp mới cung cấp vắc xin qua đường mũi đã được chứng minh hiệu quả trong việc tạo miễn dịch không chỉ ở mũi mà còn ở các mô niêm mạc khác của cơ thể, bao gồm hệ hô hấp trên, phổi và đường sinh dục. Ngoài ra, nó đặc biệt thích hợp cho việc tiêm vắc xin chống lại loại virus như HIV, loại vi-rút lây truyền qua các địa điểm đó.

Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ vắc xin mới trong phòng thí nghiệm với hy vọng công nghệ có thể thích ứng với các bệnh khác trong tương lai.

https://vista.gov.vn/
 

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 2970
Tổng lượt truy cập: 3.606.792
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!